Câu chuyện cổ tích “Khủng long Bitcoin” rồi sẽ kết thúc rất nghiệt ngã? Báo Đầu tư Tài chính tổng hợp góc nhìn về câu chuyện thời sự này.
Giá trị của Bitcoin và các loại tiền mã hoá khác đã tăng lên bội lần trong thập kỷ qua. Lợi suất [phi rủi ro] trái phiếu chính phủ thậm chí âm, và bóng ma lạm phát đến từ việc các ngân hàng trung ương trên thế giới cho phép “máy in tiền” hoạt động hết công suất, khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Nhiều người đã đầu tư vào các loại tiền mã hoá, thậm chí còn tin rằng chúng sẽ trở thành phương tiện thanh toán quốc tế. Tổng thống El Salvador mới đây cho biết chấp nhận Bitcoin gần như là đồng tiền pháp định.
Để trở thành một đồng tiền quốc tế, phải đáp ứng ít nhất 4 điều kiện cơ bản: phải có giá trị ổn định lâu dài; phải có đủ khối lượng đáp ứng nhu cầu thương mại quốc tế về hàng hóa, dịch vụ và tài sản tài chính; chi phí giao dịch thấp (chênh lệch thấp giữa giá hỏi mua và giá chào bán, tính thanh khoản cao); phải có một tổ chức phát hành uy tín bảo đảm ổn định giá trị tiền tệ, chẳng hạn như ngân hàng trung ương Mỹ (Fed).
Dựa trên những điều kiện cơ bản này, các thành viên tham gia thị trường sẽ quyết định chọn loại tiền tệ nào khả tín nhất trong thương mại quốc tế, mà không cần đến sự điều phối của cơ quan siêu quốc gia nào. Cả 4 điều kiện trên, đương nhiên, phải áp dụng cho cả tiền hàng hóa và tiền [giấy] danh nghĩa.
Đối với tiền giấy, do dựa trên niềm tin nên chúng buộc phải có một tổ chức phát hành uy tín. Trong khi đó, giá trị của tiền hàng hóa thì có giá trị nội tại, do dựa trên hình thái vật chất của chúng [như vàng, bạc].
Trong số này, tiền đúc bằng vàng có tuổi thọ cao nhất, hàm lượng và trọng lượng của nó không thay đổi trong hơn 700 năm.
Tuy nhiên, Bitcoin không đáp ứng điều kiện nào trong số 4 điều kiện trên.
Đầu tiên, nó có độ biến động lớn hơn bất kỳ loại tiền tệ chiếm ưu thế nào khác trong lịch sử. Giá thay đổi vài chục phần trăm trong vòng vài ngày là chuyện bình thường. Thứ hai, do có thể được tạo ra với số lượng tối đa được xác định trước, nên nếu được sử dụng để “gọi là” đáp ứng nhu cầu thương mại quốc tế ngày càng gia tăng, thì giá trị tương đối [so với các tiền tệ khác] phải tăng lên bất tận. Điều vô lý này làm cho chúng rất không đáng tin.
Thứ ba, chi phí giao dịch cao do mất nhiều thời gian, và hệ thống chỉ có thể xử lý một số lượng giới hạn trong mỗi khoảng thời gian nhất định. Liệu Bitcoin có thể trở thành tiền nếu giá trị của nó quá lớn đến mức không ai dám chi tiêu. Nghĩa là, Bitcoin ngày càng có giá trị hơn, nhưng lại ngày càng không hữu ích hơn.
Thứ tư, chưa có chính phủ hoặc ngân hàng trung ương nào có uy tín đứng ra bảo lãnh cho Bitcoin. Ngược lại, do được mệnh danh là “đồng tiền dơ” và là “khủng long” tiêu thụ điện tương đương với một nền kinh tế lớn như Thuỵ Sĩ, Ireland, Bitcoin đang bị nhiều chính phủ và các tổ chức ác cảm, tẩy chay hoặc cấm giao dịch, vì ảnh hưởng đến an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia (như Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác).
Nếu phong trào [chống đối] ngày càng lên cao, câu chuyện cổ tích về khủng long Bitcoin có thể sắp đến hồi kết.
Một phương tiện trung gian hoạt động tốt như tiền đáng lý phải làm giảm chi phí giao dịch, và là nơi lưu trữ giá trị để vận hành như chất bôi trơn trong nền kinh tế. Bitcoin không thể thực hiện các chức năng này. Tiền có đặc tính của một sản phẩm mang tính mạng lưới rộng khắp, càng nhiều người chấp nhận, càng trở nên có giá trị. Trong khi đó, Bitcoin lại chỉ được chấp nhận trong một nhóm hạn chế.
Mặc dù các giao dịch có thể được xác định, nhưng rất khó để các bên thứ ba xác định được ai đứng sau họ. Đặc điểm này khiến chúng trở nên phổ biến với bọn tội phạm và những kẻ rửa tiền. Có nhiều người hiện vẫn xem chúng như một khoản đầu tư khả thi. Nhưng chúng không có gì ổn định về giá trị với tư cách là một phương tiện, mà lại không đáp ứng bất kỳ chức năng nào của việc trao đổi, đơn vị đo lường hoặc kho lưu trữ giá trị và thiếu nhà phát hành uy tín.
Sự tăng giá điên cuồng của Bitcoin lại còn gợi nhớ đến hình ảnh âm mưu “kim tự tháp”, nơi các nhà đầu tư hy vọng rằng những người “ngu nhất” sau mình cứ tiếp tục đánh giá tài sản có giá trị ngày càng cao và cao mãi.
Những phân tích trên khiến cho ngày càng có sự đồng thuận chung, rằng Bitcoin không phải là tiền, thay vào đó chỉ là một loại tài sản như bao tài sản khác.
Ngay cả như thế, kinh nghiệm quá khứ cũng là điều đáng tham khảo. Bài học lịch sử từ “cơn mê hoa tulip kỹ thuật số” tại Hà Lan vào những năm 1600, cuối cùng, khi “cát bụi” lắng xuống, không có hậu quả tài chính nào nghiêm trọng xảy ra.
Ngay cả những người trồng hoa tulip không bán được củ, ít nhất cũng để lại những bông hoa đẹp tô thắm cho đời. Nhưng khi “tài sản” Bitcoin trở về với giá trị thực của nó, sự thức tỉnh muộn màng có thể rất nghiệt ngã đối với các coin thủ.