Trong thời gian qua cũng đã có nhiều ý kiến từ các NĐT và báo chí liên quan đến hoạt động tự doanh, và động thái này cho thấy cơ quan quản lý đã cầu thị, lắng nghe. Nhưng cần rạch ròi rằng, nếu tự doanh không có những chuyện khuất tất, chẳng hạn vẫn giữ được sự độc lập với các khối hoạt động khác như môi giới, phân tích… thì đó là nghiệp vụ rất bình thường của CTCK, nên khi cơ quan quản lý đã cầu thị, NĐT không nên kỳ thị.
Có một thực tế là cho đến thời điểm này, hoạt động tự doanh phát triển mạnh nhất ở các CTCK tốp đầu, tức là có thị phần môi giới lớn và cũng mạnh ở các nghiệp vụ khác. Hiện không có CTCK nào hoạt động “một kèo”, tức chỉ chuyên tự doanh mà không chú trọng đến các hoạt động khác như kiểu CTCK Kim Long ngày xưa.
Theo lẽ thường, bộ phận nào của CTCK sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi khách hàng của bộ phận đó trước các rủi ro nói chung trên thị trường, nếu không làm được điều này lập tức bị trả giá, đó là mất khách. Hoạt động môi giới, phân tích, tự doanh ở các CTCK nhìn một cách tổng thể những năm qua đã được tách bạch khá tốt, và điều này phù hợp với thông lệ quốc tế.
Một giả thiết được đặt ra ở đây, nếu xảy ra hành vi trục lợi từ tự doanh của CTCK, nói nôm na là “lùa gà” kiểu môi giới hô mua để tự doanh xả hàng thì e rằng khó mà qua mặt được các NĐT. Quy mô lớn của CTCK cũng đồng nghĩa với một mạng lưới thông tin, giám sát vô hình từ chính các cổ đông, NĐT khách hàng và nhất là khách hàng tổ chức. Những người này chắc chắn có nhiều kênh thông tin, nếu CTCK “làm bậy” lập tức sẽ có phản ứng phù hợp.
Một CTCK để định hình được một mạng lưới khách hàng, xây dựng được thị phần, nhất là các CTCK lớn cũng mất khoảng 5-10 năm, bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của, công sức. Thậm chí, phí giao dịch của nhiều CTCK phần lớn dùng để trả các chi phí vận hành, lương và hoa hồng cho nhân viên, phần lãi còn lại rất thấp. Trong khi tự doanh chỉ ăn nên làm ra khi thị trường có sóng và cũng chỉ vài năm nay. Liệu CTCK có sẵn sàng đánh đổi thành quả trong dài hạn để lấy lợi ích trong ngắn hạn?
Và cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất, nếu xét về định lượng thì tỷ trọng giao dịch của tự doanh so với thanh khoản toàn thị trường là khá thấp. Lấy giao dịch ngày 18-5 làm dẫn chứng, GTGD khớp lệnh tại HoSE đạt gần 13.000 tỷ đồng, trong khi khối tự doanh giao dịch chỉ gần 1.100 tỷ đồng (mua hơn 233 tỷ đồng, bán gần 860 tỷ đồng). Thống kê phiên này thì GTGD của tự doanh chỉ chiếm khoảng 8,5%, tức là chưa được 1/10 thị trường.
Cũng nên bổ sung thêm rằng, trong phiên này khối ngoại mua gần 1.600 tỷ đồng và bán chưa đến 1.500 tỷ đồng, tỷ trọng giao dịch của NĐTNN trên GTGD khớp lệnh tại HoSE vào khoảng gần 24%, nghĩa là gấp 3 lần tự doanh. Bấy lâu nay, nhiều người đã thống nhất quan điểm rằng, giao dịch của NĐTNN cũng chỉ là… một khối NĐT, không có tác động gì cả về mặt định lượng lẫn tâm lý trên thị trường cả. Mà nếu như vậy thì GTGD của tự doanh, thậm chí còn thấp hơn cả khối ngoại, liệu có thể tác động mạnh được đến thị trường hay không?
Ở đây cũng cần nhấn mạnh rằng, ngoài cơ quan quản lý, chính các CTCK cũng cần cầu thị, lắng nghe các ý kiến, suy nghĩ của NĐT và tự có những hành động, giải pháp để chứng tỏ sự minh bạch, độc lập của mình trong các hoạt động tự doanh. Nếu các CTCK dám thẳng thắn công bố chiến lược tự doanh, cũng như những giải pháp để phòng ngừa mâu thuẫn lợi ích có thể xảy ra, thì sẽ tạo cho NĐT yên tâm, đồng thời cũng góp phần ngăn chặn từ xa, những rủi ro xuất hiện.
Sự cầu thị từ cơ quan quản lý đã có, cần thêm từ phía CTCK để tránh việc kỳ thị cho hoạt động tự doanh vốn rất bình thường, mà nếu hoạt động hiệu quả, sẽ tạo ra nguồn tiền để CTCK tái đầu tư, đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng, cho cổ đông.