Cây cam và nhiều loại cây có múi đã từng là cây trồng thay thế đem lại hiệu quả kinh tế và làm thay da đổi thịt nhiều làng quê. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi khi giá cả đã phải chăng hơn. Tuy nhiên việc phát triển quá nóng đã đem lại hệ lụy khi dịch bệnh liên miên và giá cả xuống thấp.
Chỉ từ năm 2021 đến năm 2022, diện tích cam giảm khoảng 7.000 ha. Bài học về phát triển ồ ạt, bất chấp quy hoạch đang thấy rõ ở nhiều vùng trồng cam trên cả nước. Với nhiều hộ nông dân, vụ cam năm nay buồn nhiều hơn vui.
"Đầu vào tăng cao mà giờ phải chặt bỏ thế này rất tiếc, cả xã đã bỏ 50%. Nếu không hỏng, bình thường thì thêm được 60 - 70 triệu", ông Lương Văn Tươi, Hưng Yên, chia sẻ.
Nếu sống khỏe, với những cây cây cam đường canh, bà con sẽ thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng mỗi cây sau mỗi vụ cam, nhưng khi cam bị bệnh, hiện bà con phải chặt bỏ.
Mỗi nhát cuốc như cứa sâu vào sự mất mát của bà Dinh (Hưng Yên), bỏ nhãn trồng cam, bà cứ nghĩ tuổi già sẽ có của ăn của để, nhưng qua 10 năm, thành quả lại ra thế này. Ở tuổi xế chiều, bà và nhiều hộ trong làng lâm vào cảnh mắc nợ vì chót đầu tư vào cây cam.
Không chỉ mắc nợ tiền đầu tư, nông dân còn mắc nợ với đất. Sau nhiều năm chịu đủ mọi loại phân thuốc kích thích tăng sản lượng, ở nhiều địa phương trong cả nước, tình trạng cam rụng diễn ra phổ biến.
Tuy nhiên lỗi không chỉ do nông dân, từng nghe và góp ý cho nhiều bản quy hoạch cây trồng từ cấp xã đến cấp tỉnh, ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới, nhận ra đội ngũ cán bộ địa phương đang bị thiếu hụt tư duy về thị trường và chạy theo các con số thành tích nên cây có múi là lựa chọn dễ và nhanh nhất.
Từng gây xôn xao cả làng, khi thành tỷ phú nhờ cây cam, vợ chồng bà Lan nay không thể cầm cự với 2 ha cam đang dần thoái hóa. Cây cam từ cây làm giàu nay trở thành gánh nặng.
Theo Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực của nước ta đến năm 2025 và 2030, định hướng ổn định diện tích cây cam khoảng 100.000 ha, hiện tại đã gần kịch khung đạt khoảng 95.000 ha. Thực tế này đòi hỏi các địa phương phải tổ chức lại sản xuất, phải có quy hoạch chiến lược bài bản và canh tác bền vững, bất cứ nông sản nào cũng có thể mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.