Khoảnh khắc thay đổi cuộc chơi
Trước khi gia nhập Disney, Horn từng là Chủ tịch kiêm Giám đốc sáng tạo của Warner Bros, dưới thời CEO Barry Meyer. Ông trực tiếp giám sát các hoạt động giải trí tại gia và sân khấu của hãng phim, bao gồm Warner Bros. Pictures Group, Warner Bros. Theatrical Ventures và Warner Home Video.
Trong nhiệm kỳ của Alan Horn 1999-2011, Warner Bros là hãng phim có thành tích hàng đầu tại phòng vé toàn cầu 7 lần, chứng kiến sự trỗi dậy của các “bom tấn” được giới phê bình đánh giá cao, bao gồm loạt phim “Cậu bé phù thủy Harry Potter” (8 phần), “Batman Begins - Huyền thoại Người Dơi”, “The Dark Knight - Kỵ sĩ bóng đêm”, “Thám tử Sherlock Holmes”,“The Departed - Điệp vụ Boston”, “Million Dollar Baby - Cô gái triệu đô”, “The Matrix - Ma trận” và “Người Hobbit: Hành trình vô định”.
Tuy nhiên đến năm 2012 Warner Bros đã loại Alan khỏi vị trí cấp cao, vì cho rằng “ông đã quá già cho những thước phim trẻ”, nhường chỗ cho thế hệ quản lý mới. Chớp lấy thời cơ, Bob Iger, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Walt Disney - một trong những đối thủ đáng gờm của Warner Bros - đã nhanh chóng chiêu mộ Alan Horn về.
Alan được bổ nhiệm làm Chủ tịch Walt Disney Studios vào năm 2012, trở thành Đồng Chủ tịch kiêm Giám đốc Sáng tạo năm 2019, trước khi chuyển sang vai trò Giám đốc Sáng tạo vào năm 2021.
Ngay khi tiếp quản công việc, ông nhanh chóng bắt tay vào việc sửa lại chiến lược kinh doanh và cho ra mắt ”Maleficent” - một phiên bản live-action hoàn toàn mới của bộ phim hoạt hình ”Người đẹp ngủ trong rừng”, được kể từ góc nhìn của nhân vật phản diện. Hàng loạt bộ phim phiên bản người thật như ”Người đẹp và Quái vật”, ”Aladdin”, “Vua sư tử” liên tục thành công, đã làm toát lên diện mạo hoàn toàn mới cho Walt Disney, được giới phê bình đánh giá cao cả về nội dung lẫn kỹ thuật.
Tại Disney, Alan được giao nhiệm vụ quản lý các nhà lãnh đạo thành công và có tư tưởng độc lập của các công ty con, bao gồm John Lasseter của Pixar và Disney Animation; Kevin Feige của Marvel Studios; Kathleen Kennedy của Lucasfilm.
Công việc điều hành các hãng phim thậm chí còn trở nên lớn hơn vào năm 2019, khi Disney hoàn tất việc mua lại 71 tỷ USD tài sản của 20th Century Fox, bao gồm xưởng phim 20th Century Fox và hãng phim đặc biệt Fox Searchlight (nay là 20th Century Pictures và Searchlight Pictures).
Tuy nhiên, thay vì kiểm soát và áp đặt, Alan Horn cân bằng giữa việc lãnh đạo và quản lý, tạo môi trường, khuyến khích những người đứng đầu tự do phát huy ý tưởng để đưa hãng phim lên tầm cao mới.
“Linh hồn của Disney” còn là người tận tâm, ông can thiệp tất cả khâu từ sản xuất, diễn viên, biên tập, đạo diễn, quảng bá, phân phối với mỗi tác phẩm. Ông còn quản lý cả thương hiệu nhạc, nhánh Broadway của Disney và dự án Disney Movies Anywhere, một nỗ lực đột phá để người dùng thay thế thư viện DVD bằng các sản phẩm số hóa.
Thí dụ, trong “The Jungle Book-Cậu bé rừng xanh”, Alan Horn bỏ ngoài tai tất cả lời khuyên để chọn Jon Favreau làm đạo diễn thể loại phim phiêu lưu mang sắc màu cổ tích, dù biết Jon chuyên làm phim hành động siêu anh hùng. Alan không ngại chi khoản kinh phí khổng lồ cho việc thực hiện các kỹ xảo của bộ phim, và “Cậu bé rừng xanh” đã thành công hơn mong đợi.
Bên cạnh tài năng và lòng nhiệt huyết, Alan Horn còn được kính trọng bởi sự khiêm tốn của mình. Trong cuộc phỏng vấn với tờ The New York Time năm 2014, ông tự gọi mình chỉ là “một người gác cổng với xâu chìa khóa”, mỗi chiếc chìa thuộc về mỗi người khác nhau.
Đảo ngược cuộc chơi, thời hoàng kim trở lại
Đảo ngược cuộc chơi, thời hoàng kim trở lại
Trước năm 2012, Disney đã chìm trong vũng lầy thất bại khi loạt dự án công chiếu đều không nhận được sự ủng hộ của khán giả, chẳng hạn như ”Mars Needs Moms - Sao Hỏa tìm Mẹ” (2011), “John Carter - Người hùng Sao Hỏa" (2012). Thêm vào đó, bê bối đời tư của người tiền nhiệm - Giám đốc sáng tạo Rich Ross, như một đòn giáng vào “đế chế giải trí” lúc bấy giờ.
Alan Horn đã tiếp quản công việc và thay đổi tất cả. “Chất lượng là kế hoạch kinh doanh tốt nhất” - Alan Horn khẳng định như vậy khi nhận lèo lái Walt Disney vượt qua thời kỳ thảm họa.
Sự phát triển tại bộ phận điện ảnh của Disney dưới thời ông nắm quyền thật đáng kinh ngạc. Hầu hết lịch phát hành của Disney chỉ bao gồm các phim kinh phí khủng, có sức hấp dẫn người xem một cách rộng rãi. Alan tăng cường đầu tư mạnh vào các bản làm lại remake với phiên bản người thật, các sản phẩm mới của Marvel và loạt phim “Star Wars - Chiến tranh giữa các vì sao” được hồi sinh sau một thập niên.
Đây là thời điểm Disney có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của công ty, với không dưới 20 bộ phim đạt mốc doanh thu tỷ đô. Disney đã có một thời kỳ thành công ổn định tại phòng vé trong một ngành công nghiệp đầy biến động và vào thời điểm mà một số đối thủ lớn đang phải vật lộn để đối phó với sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của khán giả.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn lan rộng, thúc đẩy xu hướng xem phim tại nhà của người tiêu dùng, Alan đã nhanh chóng thay đổi mở rộng dịch vụ truyền phát trực tuyến, đã trở thành một điểm sáng khi kênh Disney+ thu hút khoảng 60,5 triệu lượt đăng ký tính đến cuối tháng 6-2021, giảm bớt gánh nặng cho các mảng kinh doanh khác của hãng, vốn chịu tác động nặng nề của đại dịch.
“Đại dịch đã khiến ngành giải trí phải thay đổi, sắp xếp lại các mảng kinh doanh để xoay quanh việc phân phối nội dung, và dịch vụ phát trực tuyến Disney+. Các nhánh chương trình của Disney sẽ tập trung vào xây dựng các nội dung có khả năng tối ưu hóa cho cả phát trực tuyến, thay vì chỉ rạp phim và hệ thống truyền hình như trước đây” - Alan nhận định.
Năm 2012, các bộ phim do Disney phân phối đã thu về 3,3 tỷ USD tại các phòng vé toàn cầu. Disney đạt được mức doanh thu phòng vé hàng năm cao nhất khu vực Bắc Mỹ. Vượt qua 7 tỷUSD trên toàn cầu trong năm 2016 và đạt kỷ lục mọi thời đại 11 tỷ USD vào năm 2019, trở thành hãng phim duy nhất trong ngành từng đạt được những thành tích này. |