Đủ kiểu chậm
Đơn cử như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, thi công từ năm 2011, nhưng đến năm 2021 mà vẫn chưa xong. Ngay từ năm 2019, Kiểm toán Nhà nước cho biết dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị đội vốn lên tới 10.000 tỷ đồng, khi tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng tăng lên 18.000 tỷ đồng, bằng 205% vốn đầu tư. Dự án chậm tiến độ 10 năm và hiện đang phải trả lãi mỗi năm 650 tỷ đồng mà chưa biết khi nào vận hành thương mại...
Vậy là, thay vì sớm đem lại lợi ích cho người dân, cải thiện điều kiện giao thông công cộng, chống ùn tắc, giảm khí thải, bụi mịn, thúc đẩy kinh tế phát triển thì các dự án chậm giải ngân... trở thành gánh nặng cho ngân sách, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo nghị quyết của Quốc hội thì dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, với 654km, tổng mức đầu tư hơn 118.000 tỷ đồng lẽ ra phải được cơ bản hoàn thành năm 2021, nhưng tới tận giữa năm nay, một số dự án thành phần vẫn chưa đấu thầu xong.
Hay như dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng do Quốc hội quyết định, cũng đang chậm tiến độ, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai tổng thể dự án có tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2020 đến năm 2025. Không chỉ có ngành giao thông mà nhiều dự án đầu tư trực tiếp, hay gián tiếp từ ngân sách nhà nước của các ngành y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước cũng chậm tiến độ.
Trách nhiệm của tư lệnh ngành, chủ đầu tư và nhà thầu
Nếu như giai đoạn trước, số dự án nhiều nhưng nguồn vốn hạn chế, vốn phân bổ khá dàn trải nên việc chậm tiến độ còn có lý do khách quan là bố trí vốn không kịp tiến độ, thì bây giờ, nhiều dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội ra nghị quyết chuyên biệt, bố trí đủ vốn, cũng vẫn chậm tiến độ. Vốn ngân sách đã bố trí không giải ngân được và cũng có muôn vàn lý do. Trong khi lẽ ra tất cả phải được trù liệu ngay từ khi xây dựng phương án, biện pháp thi công rồi đấu thầu thực hiện dự án.
Với tổng mức vốn ngân sách bố trí 2,87 triệu tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại..., nếu dự án nào cũng chậm tiến độ thì không biết tổng mức đầu tư các công trình, dự án sẽ tăng thêm bao nhiêu.
Đánh giá về thực hiện kế hoạch đầu tư công vừa qua, Chính phủ đã thẳng thắn nêu rõ tiến độ triển khai các dự án chậm chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, đã kiên quyết cắt giảm số lượng dự án để bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên cho dự án, công trình trọng điểm, cấp bách tạo động lực cho phát triển vùng, liên vùng. Chính phủ cũng yêu cầu chuẩn bị đầu tư tốt hơn, hoàn thiện quy định pháp luật về đầu tư công và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm để đảm bảo tiến độ, chất lượng, tổng mức đầu tư các công trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025…
Vốn đầu tư công chủ yếu là vốn vay trong và ngoài nước nên việc không đảm bảo tiến độ công trình, dự án, chậm giải ngân là vô cùng lãng phí, thậm chí là có tội với đất nước. Vì thế, trách nhiệm của các vị tư lệnh ngành, chủ đầu tư và nhà thầu là rất lớn. Chắc chắn trong các kỳ họp Quốc hội, đại biểu sẽ tập trung chất vấn về những công trình, dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia chậm tiến độ, nhất là những dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và trực tiếp theo dõi, đôn đốc, vì các dự án này liên quan đến từng địa phương trong vùng dự án, là động lực phát triển kinh tế, xã hội trên từng địa bàn cũng như trong phạm vi cả nước.