Ngày 12-9 vừa qua, tại buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM với ngành thuế về Luật Quản lý thuế, đại diện Cục Thuế TPHCM cho biết, từ ngày 1-7-2020 đến ngày 30-6-2023, toàn địa bàn thành phố đã tiếp nhận 7.781 hồ sơ hoàn thuế, tương ứng với số tiền thuế là 54.261 tỷ đồng, có 4.916 quyết định hoàn thuế đã được ban hành, tương ứng số tiền đã hoàn 30.626 tỷ đồng.
Thông tin với PV Báo SGGP ngày 3-10, lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết vẫn đang nỗ lực tập trung giải quyết các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp. Số liệu cập nhật đến ngày 30-6, Cục Thuế TPHCM đang giải quyết 612 hồ sơ đề nghị hoàn thuế, trong đó có 520 hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, tương ứng số tiền 6.357 tỷ đồng; số hồ sơ thuộc diện hoàn trước, kiểm tra sau là 92 hồ sơ.
Các con số này có 2 điều đáng lưu ý. Thứ nhất, ngành thuế còn “giam” hàng ngàn tỷ đồng chưa hoàn thuế cho doanh nghiệp. Đây là số tiền rất lớn, không chỉ là sự “sống còn” của doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cũng rất quan trọng đối với các doanh nghiệp lớn. Thứ hai, là cách thực hiện. Trong 612 hồ sơ đề nghị hoàn thuế thì có 520 hồ sơ thuộc diện “kiểm tra trước, hoàn thuế sau”, còn diện “hoàn trước, kiểm tra sau” là 92 hồ sơ, tức là ngành thuế ưu tiên việc “kiểm tra trước, hoàn thuế sau”.
Rõ ràng đây là sự thận trọng nhằm giữ an toàn cho ngành thuế, nhưng hệ quả là “giam” tiền của doanh nghiệp quá lâu. Trong khi đó, hàng loạt thủ tục cải cách hành chính hiện nay hướng đến khâu hậu kiểm, đề cao tính trung thực của doanh nghiệp. Nếu như cố tình làm sai, khi hậu kiểm phát hiện thì doanh nghiệp sẽ đối mặt với sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.
Thuế là nguồn thu chính của ngân sách Nhà nước, do đó nhiệm vụ của ngành thuế hết sức lớn lao, sự thận trọng là cần thiết. Nhưng không vì thế mà ngành thuế lại khiến việc hoàn thuế trở nên nhiêu khê, ảnh hưởng nghiêm trọng đến “sức khỏe” doanh nghiệp. Trách nhiệm của ngành thuế là làm thế nào để doanh nghiệp tự hào đóng thuế đầy đủ đóng góp phát triển đất nước, không dám làm sai vì không thể qua mặt pháp luật. Trong trường hợp những chính sách, quy định gây khó khăn hoàn thuế cho doanh nghiệp, cơ quan thuế phải kiến nghị Chính phủ, Quốc hội chỉnh sửa kịp thời.
Mặt khác, ngành thuế cần làm tốt công tác truyền thông, thường xuyên gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, tồn đọng cũng như có giải pháp tháo gỡ.
Về pháp luật, cần có chế tài sòng phẳng trong hoàn thuế: Doanh nghiệp khai thuế sai thì bị sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật; còn nếu doanh nghiệp bị hoàn thuế chậm, sau khi kiểm tra không có sai phạm thì ngành thuế phải trả thêm lãi cùng với khoản tiền phạt cho doanh nghiệp!