Chặn biến tướng P2P bằng luật

(ĐTTCO) - Tại cuộc họp về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) ngày 6-3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng, bao gồm các nội dung quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của bộ, ngành liên quan về mô hình kinh doanh mới này. 
Chặn biến tướng P2P bằng luật
ĐTTC đã có cuộc trao đổi TS. BÙI QUANG TÍN (ảnh), CEO Trường Doanh nhân Bizlight, về thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý hình thức P2P.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, như ĐTTC đã có nhiều bài viết phản ánh về sự biến tướng của loại hình P2P, ông nhận định như thế nào về thực trạng này tại Việt Nam?
TS. BÙI QUANG TÍN: - Theo NHNN, hiện có 40 công ty P2P đang hoạt động ở Việt Nam, con số này không phải nhiều. Tuy nhiên, thực tế có nhiều công ty đang hoạt động P2P chưa được thống kê. Đáng chú ý, tỷ lệ tăng trưởng của cho vay P2P đã đạt 35-50%. Nguyên nhân P2P phát triển do nhu cầu vay mượn tiền của người dân rất lớn.
Trên 60% dân số Việt Nam là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng rất lớn, trong khi việc tiếp cận vốn tín dụng tại các NHTM gặp nhiều khó khăn về thủ tục thẩm định, hỗ trợ cho vay đối với khoản tiền thấp từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Do đó, mô hình này ngày càng phát triển giải quyết nhu cầu vay vốn vay tín chấp, bên cạnh các hoạt động cho vay của công ty tài chính (CTTC).
Chính vì vậy thời gian qua, không chỉ nhà đầu tư trong nước, doanh nghiệp nước ngoài ngày càng mở rộng thị trường hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số công ty từ Indonesia và Singapore. Có thể nói điều này tạo ra sức bật lớn để hỗ trợ người tiêu dùng trong việc tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận tiện khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, tại một số công ty P2P đã xuất hiện biến tướng, vi phạm pháp luật về NH và tín dụng. NHNN đã chỉ ra hình thức biến tướng chủ yếu, như thay vì làm trung gian kết nối thông tin, một số công ty P2P huy động tài chính đa cấp để lừa đảo, chiếm dụng vốn; huy động vốn để cho vay tràn lan, phát sinh nợ xấu, mất khả năng thanh toán và thực hiện chức năng thanh toán trung gian bất hợp pháp nhằm chiếm dụng vốn, lừa đảo.
Thực tế hiện nay, nhiều công ty P2P kết nối cho vay, nhưng có những công ty đứng ra cho vay và có nhiều hệ lụy đi kèm trong vấn đề thu hồi nợ. 
Thời gian qua, tôi đã trực tiếp tìm hiểu hoạt động các công ty P2P của những doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, để tìm hiểu mô hình cách thức làm việc của họ. Theo đó, khi các cá nhân vay với hình thức P2P, gần như thông tin cá nhân, người thân của khách hàng đều được thu thập quản lý.
Nếu tới hạn trả tiền, khách hàng chưa trả nợ và không liên lạc được, họ sẽ liên tục gọi điện thoại cho người thân, thậm chí tìm tới nơi để đòi nợ. Hoạt động thu hồi nợ như vậy vượt quá khuôn khổ pháp luật cho phép. Thời gian qua cơ quan nhà nước đã vào cuộc, nhưng do hoạt động cho vay ngang hàng chưa có hành lang pháp lý nên vẫn chưa xử lý được tình trạng này.
- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao NHNN chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng về P2P. Theo ông nên xây dựng hành lang pháp lý như thế nào để quản lý hình thức này?
- Hoạt động P2P hiện nay được điều chỉnh theo pháp luật dân sự. Hợp đồng vay vốn được xem là hợp đồng giao dịch dân sự giữa 2 bên. Song các điều khoản trong hợp đồng về cơ bản chưa đáp ứng được chuẩn mực tối thiểu của các hợp đồng dân sự hiện nay.
Trong khi đó, vấn đề lãi suất, khuôn khổ lãi suất của hoạt động P2P hiện nay vẫn chưa được NHNN quản lý theo đúng chuẩn mực như đối với các TCTD. Đồng thời, do chưa có hành lang pháp lý, chưa có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng chuyên ngành, nên hậu cho vay xảy ra nhiều rủi ro.
Như người đi vay gặp rắc rối trong vấn đề thu hồi nợ khi bên thu hồi nợ chưa tuân thủ theo pháp luật chuyên ngành. Kể cả đối với người cho vay hay những công ty P2P cũng gặp khó khăn khi họ không thu hồi được nợ của người đi vay.
Chính vì vậy, Việt Nam cần sớm có hành lang pháp lý để quản lý vấn đề này. Được biết, NHNN, Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng thời gian qua đang tiến hành xây dựng mô hình pháp lý để quản lý hoạt động kinh doanh NH có liên quan và dựa trên nền tảng công nghệ bao gồm cả P2P, tiền điện tử…
Không chỉ tại Việt Nam, các mô hình fintech phát triển rất mạnh trên thế giới thời gian qua, các nước đã áp dụng theo mô hình pháp lý thử nghiệm. Theo tôi, Việt Nam có thể áp dụng 3 bước trong kinh nghiệm của Singapore. Bước thứ nhất, chọn những doanh nghiệp triển vọng áp dụng những mô hình hoặc sản phẩm dịch vụ phục vụ người dân.
Bước thứ hai, sau khi lựa chọn được những sản phẩm dịch vụ tốt, các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, cơ quan quản lý sẽ đưa ra khuôn khổ pháp lý thử nghiệm, những quy định vừa hỗ trợ fintech phát triển, vừa đáp ứng chuẩn mực tương đối của pháp luật Việt Nam.
Bước cuối cùng, sau khi các doanh nghiệp đó đáp ứng chuẩn mực tương đối của pháp luật, cơ quan chức năng triển khai rộng rãi trên thị trường những sản phẩm kết quả giúp ích cho người dân, mang lại an toàn cho hệ thống tài chính NH tại Việt Nam. 
- Hiện nay, nhu cầu vay P2P đang tăng nhanh, hàng triệu đơn vay đã được giao dịch trên hệ thống của các công ty P2P, trong khi chưa có hành lang pháp lý liên quan. Ông có lời khuyên gì với người dân đang tham gia hoạt động này?
- Người dân nên hạn chế hoặc tốt nhất nên chờ có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng để tránh rủi ro khi tham gia.
Đồng thời, khi tiếp cận các hình thức vay trực tuyến, người dân phải hết sức lưu ý xem xét chủ thể nào cho vay, các cam kết trên hợp đồng, thỏa thuận cụ thể về lãi suất, thời gian vay, lãi suất phạt, lãi suất phạt quá hạn… để tránh những rủi ro về sau.
- Xin cảm ơn ông.
 Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2019 quản lý hụi như trong các quan hệ dân sự về vay mượn với nhau áp dụng lãi suất tối đa không vượt quá 20%/năm, cũng như quy định rõ hơn hình thức quan hệ giữa các chủ thể, có văn bản để làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước giải quyết khi có tranh chấp. Đối với P2P, hành lang pháp lý cũng cần quy định rõ vấn đề lãi suất, trách nhiệm của các bên tham gia. Khi đó sẽ dựa trên các quy định của pháp luật dân sự và hình sự để xử lý các công ty P2P hoạt động biến tướng.

Các tin khác