Chấp nhận sức ép tỷ giá

(ĐTTCO) - Diễn biến của kinh tế vĩ mô cùng với tăng trưởng tín dụng, biến động tỷ giá là vấn đề nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) quan tâm để hoạch định chiến lược đầu tư kinh doanh trong năm 2017. Liên quan đến những vấn đề này, ĐTTC trích đăng ý kiến của ông NGUYỄN XUÂN THÀNH, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright.

(ĐTTCO) - Diễn biến của kinh tế vĩ mô cùng với tăng trưởng tín dụng, biến động tỷ giá là vấn đề nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) quan tâm để hoạch định chiến lược đầu tư kinh doanh trong năm 2017. Liên quan đến những vấn đề này, ĐTTC trích đăng ý kiến của ông NGUYỄN XUÂN THÀNH, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright.

Tiêu dùng là động lực chính 

Hiện có một sức ép đối với tỷ giá trong năm 2017 là đồng USD tiếp tục lên giá so với EUR, NDT và yen. Dự kiến trong năm nay, VNĐ sẽ mất giá trong khoảng 2-3% nếu Trung Quốc không phá giá đồng NDT. Còn nếu NDT phá giá, Việt Nam buộc phải phá giá VNĐ mạnh hơn do chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc nhất là về nhập khẩu.

Năm 2017, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,7% so với dự báo của nhiều tổ chức quốc tế khoảng 6,2-6,3%. Mức tăng trưởng này có thể đạt được nếu tiến trình cải cách tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ hơn, không có những cú sốc lớn như dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đảo chiều, chính sách tăng lãi suất mạnh hơn ở thị trường Hoa Kỳ không tạo sức ép phá giá liên quan đến đồng NDT, đặc biệt ngành nông nghiệp trong nước phải hồi phục tốt.

Song xác suất này không cao, do đó kỳ vọng tăng trưởng GDP khoảng 6,2-6,3% cũng là ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm.

 Những năm trước đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp, song để có tăng trưởng kép vẫn phải bung ra đầu tư. Bây giờ không bung ra được nữa, nhất là đầu tư khu vực tư nhân. Những trục trặc trong hệ thống NH vẫn đang tiếp tục xử lý nên đầu tư tư nhân chưa vươn lên được, trong khi đầu tư của Nhà nước cũng khó tăng trưởng cao vì vấn đề nợ công.

Trong bối cảnh đó, tiêu dùng trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng năm 2017, thay vì đầu tư (phần lớn là đầu tư của Nhà nước) và xuất khẩu. Năm 2015, tăng trưởng GDP cải thiện cũng nhờ tăng tiêu dùng và năm 2016 tăng trưởng chậm lại cũng do tiêu dùng suy giảm.

Về trung hạn, cấu trúc trên cũng phù hợp với chuyển biến hiện nay khi bắt đầu từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế trung bình thấp. Xu hướng của các nền kinh tế trung bình thấp là tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng. Hiện tiêu dùng đóng góp  rất lớn vào GDP Việt Nam với 6,5%, mức cao so với các nước trong khu vực và tiềm năng tăng trưởng của tiêu dùng vẫn còn lớn.

Trước đây, những ngành tăng trưởng nhanh là công nghiệp chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu, hiện nay ngành tăng trưởng nhanh, có biên lợi nhuận cao và hấp dẫn nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là công nghiệp chế biến và dịch vụ tiêu dùng.

Cẩn trọng lạm phát

Về vĩ mô, vấn đề đang nhận được quan tâm là sức ép lạm phát gia tăng trong thời gian gần đây. Lạm phát tổng thể trong rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã vượt mức 5%, nguyên nhân do việc điều chỉnh giá dịch vụ và dịch vụ y tế cùng giá dầu hồi phục. Nếu loại bỏ những yếu tố này và chỉ nhìn vào lạm phát cơ bản, có thể thấy mức lạm phát cơ bản khá ổn định trong thời gian qua với con số khoảng 1,8% và trong tháng 2 giảm xuống 1,6%.

Nếu lạm phát cơ bản là chỉ số thuộc quyền kiểm soát của NHNN, áp lực lạm phát chưa xuất hiện dù lạm phát tổng thể tăng nhanh. Sắp tới, nếu các cơ quan trong ngành năng lượng và dịch vụ nhà nước điều chỉnh tăng giá, lạm phát tổng thể sẽ tiếp tục tăng lên.

Đồng thời, giá dầu sau khi tăng lên gần 80% trong 12 tháng qua, được dự báo sẽ tăng bình quân 19% trong năm 2017, cũng sẽ làm tăng lạm phát tổng thể trong năm 2017. Năm nay, chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra lạm phát dưới 4%, tạo khả năng để NHNN duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.

Một vấn đề quan ngại nữa là tốc độ tăng trưởng tín dụng đã trở lại quá cao trong 2 năm gần đây. Năm 2015, tăng trưởng tín dụng trên 17% và năm 2016 là 18,7% và mục tiêu năm nay 18%. Tăng trưởng tín dụng chịu áp lực từ phía DN cũng như nhiệm vụ chính trị, dẫn đến phải cố duy trì tăng trưởng tín dụng cao. Hiện nay đã có sự chuyển dịch cơ cấu trong tăng trưởng tín dụng.

Theo đó phần tăng mạnh nhất là tín dụng tiêu dùng, phù hợp với xu hướng hướng tới nền kinh tế tiêu dùng, trong bối cảnh một bộ phận người dân là tầng lớp trung lưu có thu nhập chưa đủ để tiết kiệm mua sắm, nhưng đủ để vay vốn mua sắm hàng tiêu dùng. Nắm bắt xu hướng này, các TCTD, công ty tài chính đang đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Hoạt động này giúp tăng trưởng tín dụng cao nhưng cũng khiến tỷ lệ nợ xấu cao trong hệ thống NH.

Nhìn vào lạm phát hiện nay, tăng trưởng tín dụng cao không quá lo nhưng xét trong chu kỳ 4 năm, giai đoạn 2015-2018 tăng trưởng tín dụng cao sẽ tích tụ, trong trung hạn sẽ tạo ra áp lực lạm phát. Vì thế, theo tôi để nền kinh tế tăng trưởng 6% không nhất thiết phải có tốc độ tăng trưởng tín dụng 18%. Về phía DN, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, yêu cầu đặt ra là giảm lãi suất. Chính phủ cũng đã nhiều lần tuyên bố không tăng lãi suất. Điều này đòi hỏi chính sách tiền tệ phải hỗ trợ đảm bảo mới duy trì được.

Về tỷ giá, thời gian qua có nhiều lo ngại về sức ép tỷ giá. Theo tôi, chúng ta phải chấp nhận điều này. Bởi trong bối cảnh toàn cầu hiện nay diễn biến khó lường trong chính sách của 2 nền kinh tế lớn nhất nhì là Hoa Kỳ và Trung Quốc không thể đặt ra yêu cầu phải ổn định tỷ giá, sẽ tạo gánh nặng quá lớn đối với NHNN.

Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam không còn tình trạng thâm hụt thương mại về cơ cấu, nguồn vốn kiều hối có khả năng giảm do chính sách mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhưng vẫn là con số đáng kể, trong khi nguồn vốn giải ngân FDI vẫn rất lớn và thị trường vốn vẫn phát triển. 

Các tin khác