Sẵn sàng ứng phó
Với chính sách ông Trump tuyên bố trước khi đắc cử, rằng sẽ tăng thuế với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ từ 10% đến 20%, riêng hàng từ Trung Quốc là 60%, theo ông Mark Linscott, cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ, “đó là cách tiếp cận cực kỳ rủi ro. Hậu quả dẫn tới là khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu và rất khó lường.”
Nhiều nhà phân tích cho biết, thuế quan của Mỹ với hàng nhập từ Trung Quốc sẽ đẩy nhanh quá trình tách rời giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như làm gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực lẫn toàn cầu. Và lẽ đương nhiên Trung Quốc sẽ phản ứng bằng biện pháp trả đũa, sẽ đe dọa hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, như chống biến đổi khí hậu và kiểm soát trí tuệ nhân tạo.
Còn với các nước được cho sẽ ảnh hưởng nhiều tới việc xuất khẩu lớn sang Mỹ như Ấn Độ và Nhật Bản, cũng như các nước có nền kinh tế gắn kết chặt với cả Mỹ và Trung Quốc như Malaysia, Hàn Quốc hay Việt Nam, được dự báo bị ảnh hưởng rất lớn.
Ông Thitinan Pongsudhirak, chuyên gia nghiên cứu quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan nhận định: “Với ông Trump, vấn đề là rất khó đoán, dẫu đó là thuế quan, thương mại hay an ninh quốc phòng. Nhiều nước đang phân tích rủi ro và biện pháp ứng phó, nhưng rất thận trọng, chưa có bất kỳ thông tin công khai nào”.
Tuy vậy, vẫn có một số quốc gia có thể hưởng lợi. Ngày 8-10, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody cho biết, hạn chế đầu tư vào Trung Quốc có thể chuyển hướng trực tiếp sang Ấn Độ và ASEAN, thậm chí quay ngược về Mỹ, nhất là các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và dệt may.
Đơn cử công ty lớn trong ngành chip như Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC), sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản xuất tại Mỹ. TSMC đang xây dựng nhà máy sản xuất chip ở tiểu bang Arizona, đây là dự án được công bố trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Thị trường tiền tệ là lĩnh vực được dự đoán cũng sẽ biến động. Đã xuất hiện lo ngại rằng, chính sách của ông Trump sẽ gây lạm phát và hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất của Fed. Lãi suất của Mỹ hiện vẫn cao hơn phần lớn châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, nên đồng nội tệ những quốc gia này có thể tiếp tục mất giá.
Ông Chim Lee, nhà phân tích tại Economic Intelligence Unit nói: “Nhiệm kỳ Trump 2.0, chúng tôi dự đoán sẽ có bất ổn về địa chính trị và chính sách. Đồng USD sẽ mạnh lên, gây áp lực cho các loại tiền tệ khác”.
Ông Trump nhiều lần đề cập sẽ đẩy mạnh khai thác dầu và khí đốt, trái ngược với động thái ưu tiên năng lượng xanh của Tổng thống Biden. Ông cũng phản đối Đạo luật Giảm phát 2022. Trong khi Đạo luật này đã thu hút hàng tỷ USD đầu tư từ các công ty năng lượng xanh Hàn Quốc để thiết lập chuỗi cung ứng ở Mỹ.
Tỷ phú John Paulson, ứng viên tiềm năng cho ghế Bộ trưởng Tài chính, cũng là 1 đồng minh của ông Trump, nói với The Wall Street Journal trước bầu cử rằng, năng lượng mặt trời và gió là những ngành không kinh tế, việc trợ cấp để thúc đẩy là không hiệu quả.
Về khía cạnh an ninh, giới phân tích cho biết củng cố hợp tác với châu Á, nhất là trong bộ tứ Kim Cương gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia vẫn sẽ ưu tiên trong chính quyền ông Trump. Và nói như GS. Kumi Yokoe từ Đại học Tokyo: “Dưới thời ông Trump, vấn đề chính với Nhật Bản là thuế quan.
Dù 2 nước là đồng minh khăng khít, nhưng không có nghĩa ông ấy sẽ dễ dãi với chúng tôi. Tuy nhiên, nếu chiến tranh thương mại nổ ra, có thể làm hỏng một số tiến bộ mà chính quyền Tổng thống Biden đạt được, trong việc củng cố quan hệ với Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Tiêu biểu như Nhật Bản, quốc gia đang có động thái giảm phụ thuộc vào Mỹ. Thí dụ tăng chi tiêu quốc phòng”.
Khó dự đoán cách tiếp cận mang tính cá nhân
Với Việt Nam, học giả Khang Vũ từ Đại học Boston cho rằng, nền kinh tế cần điều chỉnh nếu ông Trump thực hiện chính sách như tuyên bố. Thí dụ cần mua nhiều sản phẩm từ Mỹ hơn, để giảm thặng dư thương mại. Dẫu vậy, ông Khang Vũ nhấn mạnh, quan hệ 2 nước đã trở nên tốt đẹp trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam vào năm 2018 và 2020.
Với Philippines, trong nhiệm kỳ đầu ông Trump ủng hộ Hiệp ước phòng thủ chung giữa 2 nước, cũng như kêu gọi Mỹ can thiệp nếu quần đảo ở Đông Nam Á này bị tấn công. Nhưng nhiệm kỳ 2, khả năng cao ông Trump sẽ tập trung hơn vào thương mại. Điều này khiến giới chức Philippines lo lắng.
Chuyên gia Dindo Manhit, Chủ tịch viện nghiên cứu Stratbase ADR tại Manila chia sẻ: “Để bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ, chúng ta cần liên minh do Mỹ lãnh đạo phải nhất quán và có thể dự đoán được. Chính sách cô lập về kinh tế - thương mại, giảm sự gắn kết với đồng minh, khiến nhiều bên không biết có thể tin tưởng vào Mỹ được không? Chúng tôi có phần lo ngại và đang phân tích mọi tình huống”.
Một vấn đề khó đoán khác là cách tiếp cận đối ngoại mang tính cá nhân của ông Trump. Trong nhiệm kỳ đầu, ông chủ Nhà Trắng và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã xây dựng mối quan hệ nồng ấm. Câu hỏi đặt ra, liệu những lãnh đạo sau của Nhật có làm được điều này không?
Không chỉ các quốc gia châu Á, nội bộ nước Mỹ cũng có nhiều tiếng nói lo ngại về chính sách kinh tế - thương mại của ông Trump. Doanh nhân Bernie Moreno thuộc Đảng Cộng hòa, người mới chiến thắng trong cuộc đua vào Thượng viện chia sẻ với Fox News rằng: "Chính sách thuế của ông Trump sẽ không đưa tới đâu hay dẫn tới kết quả tích cực một cách tổng quát. Nhà Trắng nên tập trung vào tầng lớp trung lưu. Họ đang phát triển và đóng vai trò như xương sống của nền kinh tế".
Theo cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos tiến hành ngay sau cuộc bầu cử, phần lớn người Mỹ được hỏi nhận định, nợ quốc gia sẽ tăng dưới thời ông Trump nhiệm kỳ 2. Cụ thể, 62% người được hỏi tin rằng, các đề xuất trong đó có thuế quan của ông Trump sẽ tác động và làm phình nợ quốc gia. Cuộc thăm dò được thực hiện với 1.500 người trưởng thành trên toàn quốc. Biên độ sai sót khoảng 3%.
Theo ước tính sơ bộ của Ủy ban Ngân sách Liên bang, kế hoạch của ông Trump lẫn bà Harris đều có thể làm tăng nợ quốc gia thêm hàng ngàn tỷ USD đến năm 2035. Chẳng hạn đề xuất của ông Trump về sửa đổi luật thuế 2017, cũng có thể khiến giảm thu ngân sách.
Tuy nhiên chiến dịch tranh cử của ông Trump và nhiều thành viên Cộng hòa khác đã bác bỏ nhận định trên, khẳng định sửa đổi chính sách thuế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, thêm thu ngân sách và tốt cho nền kinh tế.