Cân bằng lợi ích hay “bị tông” từ hai phía?
Sau cuộc rút quân hỗn loạn ở Afghanistan và việc thông báo bất ngờ về thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ, Anh và Australia, nhiều nước châu Âu đang đặt câu hỏi về nhận định của chính quyền Tổng thống Biden khi tuyên bố nước Mỹ "trở lại". Vào mùa hè này, những người từng kêu gọi tự trị chiến lược của châu Âu trong một thời gian, vốn im hơi lặng tiếng kể từ khi ông Joe Biden đắc cử tổng thống, nay một lần nữa lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc Liên minh châu Âu (EU) nên tách rời Mỹ.
Ảnh minh họa: iStock
Họ cho rằng đã đến lúc châu Âu đương đầu với một thực tế toàn cầu mới: Đó là nước Mỹ trở lại nhưng thế giới thì đã thay đổi. Vẫn có những mối đe dọa an ninh ở châu Âu, ít nhất là từ Nga nhưng với Washington, ưu tiên hiện nay là đối phó với chiến dịch gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, nếu Mỹ mất đi ưu thế và tầm ảnh hưởng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, điều này sẽ gây nên một cú sốc về sự cân bằng quyền lực toàn cầu, điều cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến châu Âu. Trước những thực tế này, rõ ràng Mỹ và châu Âu nên hợp tác cùng nhau chứ không phải cạnh tranh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Cho tới nay, châu Âu đã cố gắng hành động như một bên cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Châu Âu đã không còn "ngây thơ" về những toan tính của Trung Quốc, một phần là do những sức ép từ phía Mỹ. Điều này có thể thấy rõ ở Bắc, Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, chính sách của châu Âu vẫn bị chi phối mạnh bởi chủ nghĩa trọng thương mà minh chứng cho điều này là sự vội vàng của Pháp và Đức khi thúc đẩy châu Âu ký kết thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc vào cuối năm 2020.
Vào thời điểm đó, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng được chỉ định, đã đề nghị trì hoãn thỏa thuận này cho tới khi chính quyền Tổng thống Biden điều phối một kế hoạch chung. Bất chấp những lo ngại từ một số nước châu Âu, EU đã ký kết thỏa thuận trên bằng mọi giá. Nhưng trong một vài tuần sau, EU phải "đóng băng" thỏa thuận này sau khi Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt lên các đại sứ EU, thành viên nghị viện cùng một số quan chức và tổ chức ở châu Âu.
Châu Âu đang dần hiểu ra rằng không dễ để tìm kiếm sự cân bằng hiệu quả trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng nói: "Đứng ở giữa đường rất nguy hiểm. Bạn sẽ bị các phương tiện tông vào từ cả hai phía". Châu Âu từng cố gắng áp dụng lập trường trung lập trong quan hệ với Nga nhưng điều này đã không hiệu quả. Trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng là cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống khác nhau, châu Âu không thể mập mờ về quan điểm.
“Đứng giữa” hay “đứng ngoài”?
Hướng tiếp cận tập trung vào các lợi ích thương mại của châu Âu với Trung Quốc có thể dẫn đến sự phụ thuộc về kinh tế. Bắc Kinh đã lợi dụng cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cách đây 1 thập kỷ bằng cách nhanh chóng tăng các thỏa thuận đầu tư chiến lược ở châu Âu. Vào thời điểm châu Âu nhận ra sự dễ tổn thương của mình, điều này đã quá trễ. Trung Quốc đã cho thấy nước này sẵn sàng sử dụng sự cưỡng ép về kinh tế như một thứ vũ khí.
Dĩ nhiên, không phải tất cả các nước châu Âu đều có cùng lập trường về Trung Quốc. Vào mùa hè vừa qua, Litva đã quyết định rút khỏi sáng kiến 17+1 của Trung Quốc - một thỏa thuận nhằm mở rộng việc đầu tư của Bắc Kinh tại Trung và Đông Âu. Một số nhà quan sát cho rằng, động cơ đằng sau sáng kiến trên là nỗ lực của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng và chia rẽ sự đoàn kết của châu Âu. Sự kiên quyết của Litva cho thấy, một quốc gia chưa tới 3 triệu dân có thể đưa ra lập trường này thì vẫn còn lại của châu Âu cũng có thể thực hiện điều đó.
Rõ ràng, thỏa thuận quốc phòng AUKUS gần đây giữa Mỹ, Anh và Australia lẽ ra có thể được giải quyết hiệu quả hơn. Lẽ ra các đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu nên được trao đổi cụ thể hơn về quan hệ đối tác mới này thay vì chỉ được biết vài phút trước khi thỏa thuận được thông báo. Tuy nhiên, khi những lời giải thích được đưa ra và bất đồng dần hóa giải, các nhà lãnh đạo Pháp sẽ tự đặt câu hỏi liệu họ có thực sự có được lợi ích hay không khi leo thang căng thẳng và chia rẽ những nỗ lực của các đồng minh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Sau cuộc bầu cử Đức vừa qua, Berlin có thể sẽ củng cố lập trường cứng rắn với Trung Quốc khi Đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do dự kiến tham gia vào chính phủ.
Thỏa thuận tàu ngầm AUKUS không phải lý do duy nhất cho quyết định của Australia. Canberra đã lựa chọn củng cố quan hệ an ninh với Washington và London khi đối mặt với những căng thẳng ngày càng gia tăng với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, thách thức từ Trung Quốc không chỉ nằm ở lĩnh vực quân sự. Các nước phương Tây cho rằng, từ thương mại tới công nghệ, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một hệ thống đa phương hậu chiến tranh để phục vụ các lợi ích của mình.
Theo một cuộc khảo sát được công bố gần đây bởi Hội đồng Đối ngoại châu Âu, gần 2/3 người dân châu Âu được hỏi tin rằng có một cuộc chiến tranh lạnh mới đang nhen nhóm giữa Mỹ và Trung Quốc. Chỉ 15% những người được hỏi cho rằng đất nước của họ đang trong một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc.
Những nhận định về một cuộc chiến tranh lạnh mới có thể đang bị làm quá nhưng theo nhà quan sát Anders Fogh Rasmussen nhận định trên Wall Street Journal, nhiều quốc gia đang đối mặt với thách thức từ phía Trung Quốc. Và rõ ràng, trong cuộc cạnh tranh gay gắt hiện nay, châu Âu không thể là một người đứng ngoài rồi mong đợi Mỹ "cho không" điều gì nữa.