Châu Phi: Thị trường 1,1 tỷ người đầy hứa hẹn

Tên của bạn (*)

Dù gặp một số khó khăn gần đây, nhưng Châu Phi vẫn được dự đoán là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2015.

Hai thập niên tăng trưởng thần tốc, nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, chưa được khai phá, dân số 1,1 tỉ người với tốc độ đô thị hóa nhanh và thu nhập tăng lên sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu đáng kể. Đó là câu chuyện mà cách đây 1 năm các nhà đầu tư đã kháo nhau về châu Phi như một điểm đến đầu tư đầy triển vọng.

General Electric, Marriott International và nhiều công ty đa quốc gia khác đã tuyên bố những kế hoạch táo bạo đổ bộ vào châu lục này. Các tập đoàn đầu tư vốn cổ phần tư nhân như Carlyle Group và Helios Investment Partners đã lập ra các quỹ đầu tư vào châu Phi. Khu vực này đã thu hút 128 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm ngoái, tăng từ mức chỉ 52,6 tỉ USD của năm 2013, theo hãng kiểm toán EY. Giữa tháng 9 vừa qua, Kellogg tuyên bố đã mua 50% cổ phần trong một công ty phân phối lương thực Nigeria.

Giờ tốc độ tăng trưởng chậm lại tại nền kinh tế Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, giá cả hàng hóa lao dốc và tình trạng thiếu điện liên miên đã làm đà tăng trưởng của khu vực này bị chững lại. MSCI EFM Africa Index, một chỉ số về chứng khoán châu Phi của Morgan Stanley, đã giảm 18% từ đầu năm đến nay, giảm hơn 5 điểm phần trăm so với rổ chỉ số chứng khoán của 24 thị trường cận biên. Trong khi đó, 21 trong số 24 đồng tiền châu Phi do Bloomberg theo dõi đã giảm giá mạnh so với USD.

“Đó là một tình huống cực kỳ khó khăn mà châu lục này đang đối mặt”, John Mackie, đứng đầu danh mục đầu tư châu Phi của công ty quản lý tài sản Stanlib Asset Management, nhận xét. Theo ông, sự chao đảo của thị trường chứng khoán Trung Quốc và khả năng Mỹ tăng lãi suất đã có “tác động rất lớn” lên khu vực.


Dự báo tăng trưởng của các quốc gia lớn tại châu Phi.
Dự báo tăng trưởng của các quốc gia lớn tại châu Phi.

Các nền kinh tế châu Phi hạ Sahara sẽ tăng trưởng 4,4% năm nay, theo dự báo hồi tháng 7 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Con số này thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức dự báo cách đây 1 năm và dưới mức tăng trưởng trung bình 5,4%/năm trong suốt thập niên qua.

Sức khỏe nền kinh tế Nigeria và Nam Phi, vốn tổng cộng chiếm 55% GDP của 48 quốc gia châu Phi khu vực hạ Sahara, có thể làm thay đổi cả bức tranh tăng trưởng của châu lục. Giá dầu thấp hơn đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Nigeria còn 2,4% trong quý II/2015, tốc độ chậm nhất trong ít nhất 5 năm. Nền kinh tế Nam Phi đã tăng trưởng âm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, khi các đợt cắt điện đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

“Đó là câu chuyện về sự xanh xao của các gã khổng lồ ở châu lục này”, Akinwumi Adesina, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi, nhận định. “Các quốc gia mà châu Phi xuất khẩu hàng hóa qua đó đều đã tăng trưởng chậm lại một cách đáng kể”, ông muốn nói đến Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Và điều đó ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của châu lục, theo ông.

Việc giá cả hàng hóa giảm sâu cũng đã tác động mạnh đến các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Angola và Ghana, cũng như Zambia, nhà sản xuất đồng lớn thứ 2 châu lục. Giá dầu thô Brent đã giảm hơn 50% trong 12 tháng qua trong khi giá đồng giảm 22% trên thị trường London Metal Exchange. “Các nhà đầu tư mà tìm kiếm tỉ suất sinh lời đã điều chỉnh theo rủi ro sẽ tiếp tục nhìn về châu Phi, nhưng họ sẽ không kỳ vọng nhiều như lúc đầu”, Mackie, Stanlib Asset Management, nhận xét.

Dẫu vậy, các câu chuyện thành công vẫn còn đó: Cộng hòa Congo dự kiến sẽ là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất ở châu Phi trong năm nay, dự báo sẽ tăng trưởng tới 9,2%, nối gót là Ethiopia với 8%, theo dự báo hồi tháng 7 của IMF. Cộng hòa Congo đang hồi sinh sau đống tro tàn của cuộc nội chiến kéo dài cả thập kỷ. Ethiopia đang mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài và đang ra sức cải thiện hệ thống đường sắt và nguồn cấp điện.

hoprite Holdings, nhà bán lẻ lớn nhất châu Phi, là một trong số những doanh nghiệp hưởng lợi từ sức mua tiêu dùng đang tăng trưởng đều đặn trong 2 thập niên qua. Doanh số bán siêu thị bên ngoài thị trường nội địa Nam Phi của Shoprite đã tăng 13,5% trong năm kết thúc vào cuối tháng 6. Công ty hoạt động tại 15 quốc gia châu Phi và Ấn Độ Dương, trong đó có Cộng hòa Congo, Angola, Nigeria và Uganda. “Có những quốc gia mà tình hình tại đây vẫn tiếp tục ăn nên làm ra”, tỉ phú Christo Wiese, Chủ tịch Shoprite, cho biết.

Hầu hết các quốc gia châu Phi đều là những nước nhập khẩu hàng hóa và vì thế họ hưởng lợi từ việc giá dầu rẻ hơn, theo Mark Bohlund, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Intelligence ở London. “Một trong những hệ quả có thể xảy ra khi giá hàng hóa giảm là nó thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch về đà tăng trưởng từ Angola và Nigeria (những nước xuất khẩu hàng hóa bị tác động bởi nhu cầu quốc tế chậm lại) sang Ethiopia và Kenya - những nước đang có những tiến bộ trong công cuộc phát triển cơ sở hạ tầng, vốn là nhân tố làm kiềm hãm tăng trưởng lâu nay”, ông nói.

Đứng đầu danh sách ưu tiên về cơ sở hạ tầng của châu Phi là khắc phục tình trạng thiếu điện. Ước tính 600 triệu người châu Phi chưa tiếp cận được với lưới điện. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính châu lục này cần 450 tỉ USD đầu tư vào hạ tầng đến năm 2040 để giảm số đợt mất điện xuống phân nửa và để cho khu vực nông thôn có thể tiếp cận đại trà với lưới điện. Mặc dù một nghiên cứu của Deloitte cho thấy có tới 95 dự án năng lượng trị giá hơn 50 triệu USD mỗi dự án đang được xây dựng tại châu Phi năm ngoái, nhưng hầu hết chưa hoàn thành xong.

“Châu Phi đáng lẽ phải tăng trưởng với tốc độ 7-8% nếu nó giải quyết được vấn đề về điện cách đây 1 thập niên”, David Cowan, chuyên gia kinh tế về châu Phi tại Citigroup ở London, nhận xét. Theo ông, thậm chí cho dù các chỉ số vĩ mô vẫn lành mạnh tại nhiều nền kinh tế châu Phi thì “câu chuyện về sự trỗi dậy của châu Phi vẫn chỉ là nói quá”.

Tuy nhiên, Mark Mobius, nhà quản lý quỹ thuộc Franklin Templeton Investments với chiến lược tập trung vào các thị trường mới nổi trong hơn 40 năm qua, lại tỏ ra lạc quan. “Viễn cảnh tăng trưởng vẫn rất tuyệt vời. Chúng tôi không muốn giảm quy mô các khoản đầu tư của mình. Vấn đề vẫn còn đó nhưng chúng không là gì khi so sánh với cơ hội tại đây”.

Đồng quan điểm, ông Marlon Chigwende, Giám đốc Điều hành khu vực châu Phi hạ Sahara cho Carlyle, cho rằng: “Châu Phi vẫn được dự đoán là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2015, dù tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút so với mức dự báo hồi đầu năm. Cơ hội đầu tư sẽ vẫn có”.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia vẫn tin vào triển vọng của châu Phi. General Electric, Marriott, Carlyle và Helios đều cho biết họ sẽ không giảm tốc trong công cuộc bành trướng vào châu Phi. “Chúng tôi đang bành trướng tại châu Phi; các hoạt động đầu tư vốn đang được triển khai tại Nigeria, Angola và Nam Phi”, Patricia Obozuwa, phát ngôn viên của General Electric, cho biết.

Các tin khác