Thị trường lo ngại về lãi suất
Kết phiên, chỉ số S&P 500 nhích 0.02% lên 5,071.63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tiến 0.1% lên 15,712.75 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones rớt 42.77 điểm, tương đương 0.11%, còn 38,460.92 điểm.
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, gây áp lực lên chứng khoán. Tại mức đỉnh trong phiên, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao 4.67%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm vượt mức 4.95%.
Todd Morgan, Thành viên sáng lập và chủ tịch của Bel Air Investment Advisors, cho rằng: “Một điểm tiêu cực đối với cổ phiếu mà tôi có là lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 70 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay, mức tăng này là khá đáng kể. Và nó cần phải giảm tốc ở đây bởi vì nếu nó phá vỡ trong 7 ngày, nó có thể tiến lên mức 5%. Điều đó sẽ cực kỳ tiêu cực đối với thị trường trong ngắn hạn.”
Những động thái đó diễn ra trước khi công bố dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ. Số liệu GDP quý 1 dự kiến công bố vào sáng ngày 25/04, trong khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE – một thước đo lạm phát của Fed – dự kiến công bố vào ngày 26/04.
Nhà đầu tư lo lắng rằng lạm phát không giảm nhanh như dự báo, làm tăng quan ngại Fed có thể không hạ lãi suất.
Cổ phiếu Tesla tăng vọt 12% sau khi thông báo đẩy mạnh các mẫu xe điện “giá cả phải chăng hơn”. Tuy nhiên, Tesla đã có doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng trong quý mới nhất. Cổ phiếu Boeing giảm điểm sau khi công bố kết quả kinh doanh quý đầu tiên. Cổ phiếu này khép phiên giảm 2.9%.
Tuy nhiên, lợi nhuận của các doanh nghiệp cho đến nay vẫn vượt kỳ vọng của Phố Wall. Cho đến nay, có hơn 25% số công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo lợi nhuận. Trong số đó, có 79% số công ty có kết quả lợi nhuận cao hơn dự báo, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Dầu WTI rớt mốc 83 USD/thùng
Nhà đầu tư đã chuyển sang tập trung vào các yếu tố cơ bản về cung cầu khi mối đe doạ chiến tranh giữa Israel và Iran mờ dần.
Theo lưu ý của Goldman Sachs, thị trường có vẻ giảm phần nào do dự trữ dầu toàn cầu tăng, khi dầu thô vốn bị mắc kẹt trong quá trình vận chuyển một phần do sự gián đoạn ở Biển Đỏ hiện đang được dỡ hàng. Điều này đang làm giảm bớt sự khan hiếm trên thị trường.
Goldman Sachs cũng nhận thấy phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị được tính vào giá sẽ giảm thêm 5 USD – 10 USD/thùng trong những tháng tới.
Khép phiên, hợp đồng dầu WTI mất 55 xu, tương đương 0.66%, xuống 82.81 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent hạ 40 xu, tương đương 0.45%, còn 88.02 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô thương mại tại Mỹ, không bao gồm dự trữ xăng dầu chiến lược, đã sụt 6.4 triệu thùng trong tuần trước, mức giảm lớn nhất kể từ giữa tháng 1/2024.
Và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Tư đã ký một gói viện trợ nước ngoài nhằm mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Iran bằng cách nhắm mục tiêu vào các cảng, tàu và nhà máy lọc dầu cố tình chấp nhận xuất khẩu dầu thô của Iran.
Theo luật, ông Biden có thể miễn trừ các biện pháp trừng phạt vì lý do an ninh quốc gia, điều này có khả năng hạn chế tác động đến thị trường dầu mỏ.
Rapidan Energy cho hay trước khi dự luật được thông qua rằng: “Chúng tôi duy trì quan điểm rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không có ý định thực thi nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt có thể đẩy giá dầu thô toàn cầu (và kéo theo đó là giá xăng bán lẻ tại Mỹ) tăng cao trong năm bầu cử.”
Dòng dầu từ Trung Đông không bị gián đoạn do xung đột, sản lượng đang tăng ở Mỹ, lạm phát vẫn ở mức cao và OPEC có đủ năng lực dự phòng để quay trở lại thị trường trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung. Do đó, một đợt leo dốc kéo dài trên 95 USD/thùng đối với gía dầu Brent là không thể xảy ra ở thời điểm hiện tại.