Rủi ro với thị trường năng lượng
Ngày 18-4, Mỹ cho biết Israel đã bắn loạt tên lửa trả đũa vào một sân bay ở thành phố miền Trung Isfahan của Iran. Dù Iran bác tin này, thị trường đã có phản ứng tức thì trong phiên giao dịch ngày 19-4, khi dầu thô Brent tương lai tăng 2% lên 88,86 USD/thùng, vàng tăng 1% và hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 1%.
Trước đó, cuộc tấn công của Iran vào Israel đêm 13-4, đã làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông giàu dầu mỏ, đe dọa đẩy giá nhiên liệu tăng vọt nếu xung đột leo thang và làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Giá dầu tăng vọt lên mức chưa từng thấy kể từ tháng 10 với dự đoán về một sự leo thang như vậy.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong một ghi chú: “Xung đột ngày càng sâu sắc, làm tăng nguy cơ biến động gia tăng trên thị trường dầu mỏ và là một lời nhắc nhở mới về tầm quan trọng của an ninh dầu mỏ”.
Với sản lượng dầu thô khoảng 3,4 triệu thùng/ngày, Iran chiếm 3,3% thị phần nguồn cung dầu toàn cầu. Do vậy các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Iran, có nghĩa là có lệnh cấm toàn diện đối với việc bán dầu của Iran thông qua các kênh vận chuyển và ngân hàng phương Tây.
Tuy nhiên, Iran đã có thể lách các biện pháp trừng phạt này bằng cách, gửi dầu đến Bắc Kinh trên các “tàu chở dầu đen” để thanh toán bằng đồng nhân dân tệ thông qua các ngân hàng cấp 2 của Trung Quốc. Các nhà máy lọc dầu nhỏ, độc lập ở Trung Quốc mua tới 90% tổng lượng dầu xuất khẩu của Iran, kể từ khi các nhà máy lọc dầu nhà nước quy mô lớn như Sinopec và PetroChina ngừng nhận dầu thô của Iran vào năm 2019.
Richard Bronze, đồng sáng lập và nhà phân tích tại Công ty dữ liệu Energy Aspects, cho biết nhu cầu tăng theo mùa khi nhiều quốc gia bước vào những tháng mùa hè bận rộn, cũng như nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ và các dấu hiệu về nền kinh tế Trung Quốc đang cải thiện, cũng góp phần tạo thêm lực đẩy cho giá dầu. Ngoài ra, lệnh hạn chế xuất khẩu kéo dài của OPEC+, đã giữ nguồn cung dầu thô toàn cầu bị thắt chặt.
Trong trường hợp phương Tây chọn thắt chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt đối với Iran, việc cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran sẽ có tác động “rất lớn” đến thị trường năng lượng toàn cầu. Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới với 15% thị phần, sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp dầu khác, do đó đẩy giá dầu thô lên toàn cầu.
“Nút thắt” eo biển Hormuz
Các nhà phân tích cho rằng, một trong những mối đe dọa đối với thị trường năng lượng là việc Iran có thể chặn eo biển Hormuz, một tuyến đường biển hẹp giữa Vịnh Ba Tư và Vịnh Ô-man. Bởi hơn 25% tổng lượng dầu giao dịch bằng đường biển toàn cầu đi qua hành lang thương mại này, đặc biệt là các quốc gia sản xuất năng lượng như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain và Iraq, sử dụng tuyến hàng hải này để xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới.
Một số nhà phân tích cho rằng, Iran vẫn duy trì khả năng tấn công các tàu chở dầu đi qua eo biển này. Theo Simone Tagliapietra, một thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels, trường hợp xấu nhất sẽ dẫn đến việc Tehran “phong tỏa toàn bộ” eo biển.
Sự gián đoạn hoặc tắc nghẽn giao thông ở eo biển Hormuz, sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Đây là tuyến đường chính hoặc duy nhất cho các nhà xuất khẩu dầu ở Trung Đông, bao gồm các thành viên OPEC là Ả Rập Saudi, Kuwait và UAE.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Iran khó có thể phong tỏa eo biển này trừ khi “mọi việc thực sự vượt quá tầm tay”, bởi việc phong tỏa eo biển cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thương mại của Iran. Đó sẽ là một sự leo thang đáng kể và tập trung mọi sự chú ý của thế giới vào đó, tất cả những điều mà Tehran muốn tránh.
Cả Iran và Israel đều gặp khó về kinh tế
Hiện cả Tehran và Tel Aviv đều đang gặp căng thẳng về tài chính. Mỹ và các đồng minh đã thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với các công ty Iran trong vài năm qua, và khiến Tehran khó có thể tận dụng tối đa nguồn xuất khẩu chính của mình là dầu mỏ.
Ở phía bên kia, cuộc chiến quy mô lớn của Israel ở Gaza, với sự tham gia của hàng trăm nghìn binh sĩ, đã ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế của nhà nước Do Thái. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa đêm 13-4 đã gây thiệt hại nặng nề về tài chính cho Israel, mặc dù các ước tính có sự khác biệt đáng kể.
Chẳng hạn, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia có trụ sở tại Tel Aviv, đã ước tính chi phí phòng thủ của Israel trước cuộc tấn công cuối tuần qua của Iran là 550 triệu USD.
Khoản này bao gồm chi phí mà Israel phải gánh chịu khi duy trì 100 máy bay chiến đấu trên không trong 6 giờ. Tuy nhiên, một tướng Israel cho biết, chi phí cho Tel Aviv dao động từ 1-1,3 tỷ USD, vì mỗi tên lửa Arrow dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo của Iran có giá 3,5 triệu USD.
Theo The Guardian, đối với Iran, nước này chủ yếu sử dụng máy bay không người lái Shahed, còn được gọi là AK-47. Do được sản xuất hàng loạt nên chi phí thấp, khoảng 20.000 USD/chiếc. Tuy nhiên, Iran chịu chi phí gần 100.000 USD cho mỗi quả tên lửa được bắn vào Israel.
Kinh tế thế giới vẫn có điểm sáng
Theo các nhà hoạch định chính sách của IMF và WB, hiệu suất gần đây của nền kinh tế thế giới tốt hơn đáng kể so với dự báo, bất chấp những cú sốc về sản lượng và lạm phát do đại dịch gây ra, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, giá cả hàng hóa tăng vọt và chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ.
Tóm lại, bất chấp nhiều dự đoán ảm đạm, thế giới đã tránh được suy thoái kinh tế, hệ thống ngân hàng phần lớn tỏ ra kiên cường, và các thị trường mới nổi cũng như các nền kinh tế đang phát triển lớn không bị dừng đột ngột về tài chính. Nhìn chung, nền kinh tế thế giới đã tỏ ra linh hoạt hơn và kỳ vọng lạm phát được ổn định tốt hơn nhiều người mong đợi. Đây đều là tin tốt.
Đáng chú ý, tăng trưởng sản lượng tích lũy trong năm 2022 và 2023, đã vượt quá dự báo của IMF vào tháng 10-2022 đối với nền kinh tế toàn cầu, ngoại trừ các nước đang phát triển có thu nhập thấp (LIDC). Điều này cũng đúng đối với việc làm, ngoại trừ ở LIDC và Trung Quốc. Nền kinh tế Mỹ đặc biệt khởi sắc, mặc dù khu vực đồng euro lại kém hơn rất nhiều.