Các doanh nghiệp (DN) cho biết phải chạy lòng vòng, từ Sở Công thương đến UBND các quận huyện, chạy về phường rồi đến cơ quan công an... nhưng nhiều ngày nay vẫn chưa nhận được giấy đi đường. Trong khi nhiều hộ hết gas để nấu ăn, không còn nước sạch để uống vẫn liên tục réo DN, đại lý cung cấp gas, nước sạch...
Dân hết gas nấu ăn, DN chờ giấy đi đường
Dù phản ảnh liên tục trong 3 ngày qua nhưng nhiều DN kinh doanh gas cho hay đến chiều 25-8 vẫn chưa nhận được giấy đi đường mẫu mới do công an cấp nên đơn hàng gas tồn đọng rất lớn. Trong khi đó mẫu giấy đi đường cũ đã hết hiệu lực, một số địa phương vẫn cho người giao gas tạm thời dùng mẫu cũ, song địa phương khác lại xử phạt tiền triệu.
Ông Lê Quang Tuấn - phó giám đốc Công ty CP thương mại dầu khí Thái Bình Dương - cho biết trừ các đại lý ở quận Bình Tân và quận 11, các đại lý tại các địa bàn khác đều phản ảnh chưa nhận được giấy đi đường mẫu mới dù đã gửi danh sách lên phòng kinh tế cũng như công an các quận huyện.
"Bình Tân có cách làm khá hay là quận lấy danh sách cũ các DN đã gửi lên, chuyển sang công an cấp để trả giấy đi đường nhanh cho DN. Thế nhưng nhiều quận khác yêu cầu DN tự liên hệ công an để cấp giấy mới, trong khi DN đã gửi danh sách đầy đủ lên phòng kinh tế quận những ngày qua" - ông Tuấn nói.
Tương tự, ông H.V.H. - giám đốc điều hành hệ thống gas V. - cho hay đã làm các thủ tục để gửi UBND và công an các quận, huyện từ ngày 23-8 nhưng nhiều chi nhánh vẫn chưa có được giấy đi đường, kể cả mẫu cũ lẫn mẫu mới. "Người dân điện thoại hối lên hối xuống mà đi giao gas lại bị phạt nên không giao, trong khi chuyện nấu ăn mỗi ngày đâu thể chờ được" - ông H. bức xúc.
Mòn mỏi chờ nước uống đóng chai
Đã 3 ngày qua, anh Hoàng Hữu Tuấn (Bình Thạnh) hết sạch nước uống đóng bình, song gọi nhiều đại lý nước vẫn đều nhận được một câu trả lời là không thể giao vì "thiếu giấy đi đường". Để có nước uống, anh Tuấn phải đun sôi nước máy để uống tạm trong khi chờ đại lý. Trong khi đó, bà Phạm Thị Huệ (Bình Thạnh) cho biết gia đình đã mua nước uống đóng chai loại nhỏ uống tạm thời, do các nhà cung cấp không thể giao bình nước sạch dung tích lớn.
Theo ông Võ Minh Tuấn - đại diện hệ thống cung cấp nước đóng bình S.A.P tại quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức, DN này phải từ chối đơn hàng rất nhiều, chưa kể số đơn hàng còn tồn đọng lên đến gần 5.000 bình chưa giao được cho người dân do chưa có giấy đi đường.
"Từ ngày 23-8, chúng tôi đã nộp danh sách lên các quận đề nghị cấp giấy đi đường, sau đó lại chuyển về phường, nay lại chuyển lên quận theo các hướng dẫn mới nhưng vẫn chưa nhận được giấy đi đường để giao nước nên đành đóng cửa hệ thống" - ông Tuấn cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Thương - giám đốc Công ty TNHH nước tinh khiết Long Thịnh Phát (Bình Thạnh) - cho biết đang tạm thời đóng cửa dù đơn hàng tồn đọng rất nhiều, do DN chưa được cấp giấy đi đường. Thậm chí có DN đã liên hệ và được công an phường trả lời rằng nước không phải là dịch vụ được hoạt động thời điểm này, nên chủ DN buộc phải đóng cửa vì sợ bị phạt nặng.
Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - cho rằng nước uống là thực phẩm thiết yếu, quan trọng hàng đầu với các gia đình, cần phải được tạo điều kiện tối đa để phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân. Nếu địa phương nào không tạo điều kiện cho đơn vị giao nước được hoạt động là sai quy định.
Ùn ứ hàng ngàn bình gas mỗi ngày
Theo Chi hội gas miền Nam, bình thường các DN cung ứng ra thị trường TP.HCM sản lượng khoảng 17.000 tấn gas/ngày, trong đó khoảng 60% là gas sinh hoạt với loại bình 12kg. Trong thời điểm dịch, ước tính mức cung ứng giảm xuống khoảng 12.000 tấn gas/ngày. Tuy nhiên, do chưa được cấp giấy đi đường, mỗi hệ thống đang tồn đọng 200 - 300 đơn hàng/ngày, đại lý tồn đọng khoảng 50 - 60 đơn/ngày.
Ông Nguyễn Hải Long - phó chủ tịch Hiệp hội Gas VN - cho biết gas là mặt hàng thiếu yếu, kinh doanh có điều kiện do liên quan đến cháy nổ nên không thể giao hộ, vì vậy các thủ tục cấp giấy đi đường cần đẩy nhanh cho người dân được nhận gas. Việc ách tắc trong vận chuyển gas sẽ gây ảnh hưởng đến việc chuẩn bị bữa ăn của nhiều hộ dân.
"Trong lúc chờ cơ quan chức năng cấp giấy đi đường, lực lượng giao gas cần được tạo điều kiện hoạt động bằng thẻ nhân viên, giấy đi đường công ty, giấy đi đường cũ" - ông Long đề xuất.
Các hiệp hội "cầu cứu" Thủ tướng về giấy đi đường
Ngày 25-8, trong văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các bộ ngành và chủ tịch UBND TP.HCM, 8 hiệp hội ngành hàng (gồm chế biến và xuất khẩu thủy sản, cao su, nhựa, gỗ, rau quả, điều, hồ tiêu, ca cao) đề nghị được tạo điều kiện cho việc đi lại cấp thiết của doanh nghiệp (DN) để duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Theo các hiệp hội này, trong các văn bản của UBND TP.HCM về kiểm soát các nhóm được phép lưu thông, có nhóm là nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ được hoạt động theo thời gian từ 6h đến 18h, do Sở Công thương quyết định từng trường hợp cụ thể. Sở Công thương cũng đã hướng dẫn đăng ký cấp giấy đi đường để DN nộp hồ sơ đăng ký.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có DN được cấp giấy đi đường với lý do Sở Công thương chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các DN chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện sẽ cấp giấy đi đường cho DN sản xuất cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa và trực tiếp xuất nhập khẩu.
"Điều này đang gây khó khăn rất lớn cho các DN xuất khẩu, hoạt động sản xuất - xuất khẩu bị đình trệ, chưa kể nhiều tổn thất rất lớn như chi phí lưu kho bãi, hàng hóa để lâu sẽ bị giảm chất lượng, bồi thường do vi phạm hợp đồng về tiến độ giao hàng cho các khách hàng quốc tế là chưa thể lường trước được", văn bản nêu.
Các hiệp hội cũng đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các DN sản xuất, xuất khẩu và tăng cường thêm số lượng người xử lý hồ sơ cho các DN, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cấp giấy đi đường...