Tại Việt Nam, chuyển đổi số chỉ mới bắt đầu. Việc áp dụng công nghệ mới, bắt kịp xu hướng thời đại sẽ mang lại những giá trị to lớn.
Hiện có khoảng 10 startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) của người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD, riêng “kỳ lân” công nghệ Kyber Network của Lưu Thế Lợi đã nhận được 52 triệu USD từ hơn 21.000 nhà đầu tư lớn nhỏ tại hơn 100 quốc gia trong chiến dịch gọi vốn.
Trong top 200 công ty blockchain trên thế giới có 5-7 công ty do người Việt sáng lập... Giờ đây có thể nói, startup Việt đang đứng ngang hàng và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia phát triển khác. Nhiều tên tuổi người Việt có chỗ đứng đáng nể trong cộng đồng blockchain thế giới.
Startup Việt đứng ngang hàng và cạnh tranh sòng phẳng trên thế giới
Theo Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và là tác giả bộ gõ Vietkey, cứ 18 tháng các công nghệ về máy tính và lượng dữ liệu tạo ra tăng gấp 2 lần. Thế nhưng để tạo ra hiệu quả hữu dụng ngoài công nghệ tốt còn cần dữ liệu chuẩn và đầy đủ hay nói cách khác dữ liệu không thể bị can thiệp bởi con người. Công nghệ Blockchain đáp ứng được vấn đề này.
“Không có bất cứ giải pháp công nghệ nào an toàn tuyệt đối, chỉ blockchain có thể đảm bảo độ tin cậy tuyệt đối của dữ liệu 100% mà con người không thể can thiệp. Vì thế blockchain khiến giá trị sản phẩm tạo ra từ nó có thể tăng giá trị khủng khiếp. Ví như, Bitcoin tăng tới 600 triệu lần so với thời điểm ra đời trong thời gian rất ngắn, hay những sản phẩm âm nhạc, tranh nghệ thuật… được xác nhận và đảm bảo bởi blockchain có giá trị lên tới hàng triệu USD”, ông Tuấn nêu ý kiến.
“Blockchain trong tương lai giống như internet vào Việt Nam năm 1997, sẽ xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống. Chưa có ngành nào tăng trưởng mạnh như công nghệ thông tin và trong công nghệ thông tin thì không lĩnh vực nào sẽ tăng trưởng nhanh bằng blockchain. Đây là công nghệ mới, do đó còn rất nhiều “đất” để sáng tạo và startup”, TS Tuấn nhấn mạnh.
Thế nhưng, thực tế hiện nay là tuy trong top 200 công ty blockchain trên thế giới có 5-7 công ty do người Việt Nam sáng lập, nhưng tất cả lại đăng ký kinh doanh ở nước ngoài, dù trụ sở làm việc, công nghệ, nhân lực... đều ở Việt Nam. Nguyên do là Việt Nam vẫn còn thiếu hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 như blockchain, trí tuệ nhân tạo… Điều này dẫn tới tình trạng “chảy máu” chất xám lĩnh vực công nghệ của người Việt.
TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, công nghệ blockchain là nền tảng để ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Mục đích của ứng dụng phổ biến nhất của blockchain là lĩnh vực tài chính gồm ngân hàng, thanh toán, tín dụng, huy động vốn, đặc biệt gần đây liên quan đến bất động sản. Đó là lĩnh vực rất nhạy cảm của nền kinh tế, việc ứng dụng blockchain có thể tạo ra những đột phá, tiến bộ vượt bậc nhưng đồng thời tỉ lệ thuận với rủi ro.
“Nếu không kiểm soát được thì số doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng rất lớn. Việt Nam là nước đang phát triển, cần có lộ trình để tiếp thu công nghệ từng bước”, ông Quất cho hay.
Ông Quất cho biết, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã trình Bộ Tư pháp xây dựng quy định cơ chế đặc thù để ứng dụng thử nghiệm cho một số đối tượng lĩnh vực thanh toán sử dụng công nghệ blockchain. Quy chế này sẽ trình Chính phủ, nếu được thông qua sẽ đưa vào bước đầu thử nghiệm. Về huy động vốn xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang nghiên cứu hình thức giao dịch vốn dành cho startup và các hình thức huy động vốn khác.
Cựu startup Việt muốn tạo đà cho startup blockchain
Trước khi có hành lang pháp lý cơ bản, một số doanh nghiệp khởi nghiệp Việt đã quay lại Việt Nam mong muốn tạo cơ hội, dẫn dắt cho các startup mới trong lĩnh vực blockchain. LaunchZone là một trong những doanh nghiệp như thế.
Theo anh Đinh Quang Lộc, đồng sáng lập LaunchZone, blockchain là công nghệ lưu trữ dữ liệu dưới hình thức phi tập trung chứ không phải là cái gì quá cao siêu. Blockchain là một thị trường có xu hướng và tâm điểm thường thay đổi rất nhanh chóng.
“Điểm mạnh của các dự án tại Việt Nam ở chỗ, trước đây họ là những đội ngũ làm outsource cho nước ngoài, có khả năng thích ứng về sản phẩm rất nhanh. Điểm yếu là startup không đủ nhạy bén để nhận biết được xu hướng thị trường đó có phù hợp với điểm mạnh của đội ngũ hay không. Những điểm yếu này chúng tôi sẽ hỗ trợ để các nhóm khắc phục”, Lộc nói.
“Các startup sẽ được tìm kiếm, ươm mầm để định hướng sản phẩm, phải là thứ thị trường cần đến. LaunchZone có thể đầu tư vào các startup cả về nhân lực, vật lực cũng như sự ủng hộ từ cộng đồng có sẵn của LaunchZone”, đồng sáng lập LaunchZone cho biết thêm.
Dù tiềm năng ở “thị trường không ngủ - blockchain” rất cao nhưng từ những kinh nghiệm của bản thân, Lộc nhận ra nếu chỉ có công nghệ hay sản phẩm tốt là chưa đủ, có vốn đầu tư cũng không hẳn sẽ thành công mà cần kết hợp nhiều yếu tố: Vốn, công nghệ, con người và chiến lược marketing. Đây cũng chính là lý do team muốn trở thành “bàn đạp” hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp đưa sản phẩm blockchain của người Việt ra thế giới.
“Việt Nam đang có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ nhưng lại chưa có khung pháp lý rõ ràng cho blockchain. Nếu có, anh em công nghệ sẽ rất muốn đặt công ty ở Việt Nam. Chúng tôi đã mất nhiều năm mày mò để khởi nghiệp và mong vạch con đường rõ ràng cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp mảng blockchain”, Lộc nói.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong 4 trụ cột công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), robotic và blockchain thì công nghệ chuỗi khối blockchain là mảng khả thi nhất startup có thể tận dụng để khai thác và phát triển, trong khi các công nghệ còn lại đòi hỏi đầu tư hạ tầng lớn hơn nhiều.
Trong Hội nghị đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng bày tỏ sự “đau đáu” của mình về vấn đề “chảy máu” chất xám của đất nước.
“Tôi thật sự suy nghĩ rất nhiều về tình trạng “chảy máu chất xám” hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước chúng ta. Truyền thống và trí tuệ của Việt Nam thật sự là tài nguyên quý giá của đất nước. Nhưng một câu hỏi rất lớn đặt ra – đó là chúng ta đã khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên trí tuệ đó như thế nào? Đã hợp lý chưa? Có lãng phí không? Có cầu toàn, nóng vội không? Tất cả những người có trách nhiệm đều đau đáu về những câu hỏi đó”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ mong muốn, các cơ quan, ban ngành, giới khoa học vì trách nhiệm với đất nước hãy gợi ý giải pháp thiết thực cho Chính phủ để giải quyết từng bước tình trạng này.