Cũng như các tỉnh ven biển khác, tại khu vực Bắc miền Trung, chế biến hải sản là ngành nghề có thế mạnh, đem lại nguồn thu đáng kể cho địa phương, doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, chưa quan tâm đến công tác xử lý môi trường nên không ít nơi đã để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Lâu nay, người dân xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) phải sống trong tình cảnh ô nhiễm từ việc chế biến cá gây ra. Các thôn bị ảnh hưởng nặng nhất là Thượng Hải, Ngoại Hải, Quang Minh, Xuân Tiến… Ghi nhận trên sông Kênh Than, cả một đoạn sông màu vàng xám, có nơi đen sì với đủ các loại rác thải bốc lên nồng nặc.
Theo người dân địa phương, dòng nước màu như vậy là do chất thải từ các phân xưởng, nhà máy chế biến hấp cá, xay bột cá thải ra. Việc thải ra môi trường đã diễn ra nhiều năm nay, nhất là vào vụ cá từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm.
Một người dân thôn Thượng Hải cho biết: “Họ thải trực tiếp ra sông, trong khi chúng tôi sinh sống bên sông nên “hứng trọn”. Cứ đến vụ cá, ngoài giờ đi học là mấy đứa nhỏ phải gửi đến nhà ông bà ở xa bờ sông để… lánh nạn. Ban ngày còn tương đối dễ thở một chút chứ về đêm là mùi bốc lên rất kinh khủng, đặc biệt khi trời oi bức và đứng gió”.
Trong khi đó, người dân ở quanh cảng cá Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) cũng sống trong cảnh ô nhiễm tương tự. Theo ghi nhận, tại khu vực các xóm Đồng Tâm, Đồng Lực, Quyết Tiến, Quyết Tâm… mùi hôi bốc lên rất khó chịu. Trên con đường ven biển, nhiều vũng nước đọng màu đen có mùi tanh. Mương thoát nước thải bên đường, nhiều vị trí không còn nắp đậy, nước dưới mương đen ngòm, đặc sánh và sủi bọt trắng bốc mùi nồng nặc.
Qua quan sát cho thấy, một số lò hấp cá đã xả nước thải ra mương này nhưng do mương tắc, thoát chậm nên gây ứ đọng, có nơi nước tràn lên mặt đường. Một người dân bán hàng tạp hóa tại xóm Quyết Tiến than thở: “Những ngày tàu cá về nhiều, nước thải chảy tràn cả mặt đường. Mương nước bị rác dồn ứ, trồi cả lên 2 bên bờ. Nhiều hôm tôi phải đóng cửa tiệm vì không ai đến mua hàng do xung quanh bốc mùi quá hôi thối”.
Qua tìm hiểu được biết, hiện trên địa bàn xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) có 5 nhà máy chế biến bột cá, 18 phân xưởng hấp, sấy cá. Tuy nhiên, chỉ có một nhà máy xử lý nước thải tại khu vực phía Bắc cảng cá Lạch Bạng.
Ông Phạm Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thanh, cho biết địa phương chủ yếu làm nghề khai thác, chế biến hải sản nên các hộ sản xuất, doanh nghiệp có xả nước thải, khí thải ra môi trường và hàng năm đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp nhỏ chưa có hệ thống xả thải đảm bảo.
Trước thực trạng ô nhiễm, Hội nghề cá và doanh nghiệp của xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) đã kiến nghị xây dựng khu xử lý nước thải phía ngoài đê chắn sóng, diện tích chừng 200m2, dự trù kinh phí hết 600 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xây dựng ở ngoài đê chắn sóng phải xin ý kiến cấp trên nên mất rất nhiều thời gian. Ông Lê Bá Vân, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập, khẳng định thời gian qua, một số xưởng chế biến xả cả vảy cá ra môi trường nên gây tắc cống thoát nước.
Chính quyền địa phương đã làm việc với những cơ sở chế biến hải sản này, yêu cầu họ phải khắc phục bằng cách xây bể lắng tại các phân xưởng. Riêng việc xây khu xử lý nước thải chung cho cả khu vực còn gặp nhiều vấn đề về thủ tục, kinh phí... nên chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, do nắp cống của đường nước thải đặt ngang bằng mặt đường giao thông nên khi xe đi qua làm vỡ gần hết, khiến nước thải tràn lên mặt đường, gây ô nhiễm. UBND xã đang lên phương án nạo vét cống và đúc lại nắp cống.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu