Chỉ cần Fed dừng tăng lãi suất, vốn ngoại sẽ trở lại mạnh mẽ

(ĐTTCO) - Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất khác nhau, và có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất nữa trong quý III này nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Như vậy Việt Nam khi đi ngược với xu hướng tăng lãi suất trên thế giới, đặc biệt với Fed, kéo theo là sự chững lại của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK). Chính vì vậy trên TTCK các quỹ ETF cả ngoại lẫn nội hầu như không huy động được vốn mới, thậm chí còn bị rút ròng, đồng thời khối ngoại cũng liên tục bán ra trên thị trường giao dịch hàng ngày.

Xu hướng bán ròng chững lại, nhưng chưa thực sự đảo chiều

Trong nửa sau tháng 7, tín hiệu từ dòng vốn ngoại đã có cải thiện trên TTCK. Thống kê ở sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã có 2 tuần liên tiếp mua ròng trở lại với quy mô khoảng 2.040 tỷ đồng. Đây là mức vốn ròng khá lớn, thậm chí từng được coi là tín hiệu của sự đảo chiều khi tốc độ tăng lãi suất của Fed chậm lại. Tuy nhiên xu hướng bán ròng đã thực sự đảo chiều hay chưa vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Thứ nhất, đợt tăng trưởng tốt của TTCK Việt Nam trong tháng 7 (VN Index tăng 9,2%, mức tăng kỷ lục theo tháng kể từ tháng 2-2021) đã khuyến khích không chỉ NĐT trong nước lướt sóng mà cả NĐTNN. Nếu nhìn vào giao dịch hàng ngày của khối ngoại, việc xen kẽ các phiên bán ròng và mua ròng liên tục trong chu kỳ 3-5 phiên giao dịch, nhưng khả năng cao là hoạt động đầu cơ ngắn hạn khi mua vào bán ra liên tục.

Giá vốn huy động ròng của các nhóm quỹ ETF hàng tuần từ tháng 8-2022 đến tuần đầu tháng 8-2023. Kể từ khi giảm lãi suất trong nước, dòng vốn vào các quỹ ETF không có cải thiện, thậm chí còn bị rút đi. Đơn vị: tỷ đồng. Nguồn: FiinTrade.

Giá vốn huy động ròng của các nhóm quỹ ETF hàng tuần từ tháng 8-2022 đến tuần đầu tháng 8-2023. Kể từ khi giảm lãi suất trong nước, dòng vốn vào các quỹ ETF không có cải thiện, thậm chí còn bị rút đi. Đơn vị: tỷ đồng. Nguồn: FiinTrade.

Thứ hai, sau chuỗi nhiều tháng bán ròng, việc giao dịch mua ròng với 2.040 tỷ đồng trong 2 tuần cuối tháng 7 vừa qua không thay đổi được thực tế rằng khối ngoại vẫn đang trong vị thế rút vốn, kể từ thời điểm lãi suất trong nước bắt đầu giảm. Cụ thể, tính từ ngày 15-3 đến ngày 9-8, NĐTNN vẫn bán ròng tổng hợp trên sàn HoSE tới 6.240 tỷ đồng, trong đó riêng cổ phiếu bán ròng 5.342 tỷ đồng.

Thứ ba, trong một xu hướng tăng giá ngắn hạn đã định hình của thị trường từ tháng 5 tới tháng 8 này, các giao dịch không thật sự bền vững. Nếu thị trường đi vào giai đoạn điều chỉnh, các dòng vốn ngắn hạn có thể thay đổi rất nhanh, phản ánh quan điểm đầu cơ. Do đó hoạt động giao dịch của khối ngoại cần được nhìn trong một giai đoạn thị trường đủ dài, bao gồm cả nhịp tăng lẫn nhịp điều chỉnh, vì về lý thuyết, mua vào trong một thị trường giảm sẽ có lợi.

Thứ tư, giao dịch của lượng tiền sẵn có trong thị trường chỉ là một khía cạnh của dòng vốn ngoại. Các quỹ đầu tư chủ động là thí dụ, thường phân bổ vốn vào một thị trường cụ thể trong thời gian ổn định, dù có thể chuyển hóa linh hoạt vị thế từ cổ phiếu sang tiền mặt, từ VNĐ sang USD để tối ưu theo điều kiện thị trường. Ngược lại, dòng vốn gián tiếp thông qua các quỹ ETF thể hiện rõ hơn khả năng hấp dẫn của một thị trường. Tín hiệu chưa hề rõ ràng trong nhóm quỹ này.

Thống kê từ đầu tháng 5-2023 đến nay, các quỹ ETF có liên quan đến dòng vốn xuyên biên giới không huy động thêm được vốn mới rõ ràng, thậm chí còn bị rút đi. Cụ thể, quỹ VanEck Vietnam ETF ghi nhận hút ròng nổi bật với 350,4 tỷ đồng ròng - theo số liệu của FiinTrade, quỹ Xtrackers FTSE Vietnam Swap ETF chỉ có thêm 2,5 tỷ đồng ròng, còn quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF bị rút ròng 489,2 tỷ đồng. Đây là 3 quỹ đại diện cho dòng vốn châu Âu.

Ngược lại, các quỹ đại diện cho dòng vốn châu Á đều chảy ngược: Quỹ Fubon (chủ yếu vốn Đài Loan) bị rút ròng 228,2 tỷ đồng, quỹ VFM Diamond bị rút ròng 185,1 tỷ đồng và quỹ VFM VN30 bị rút ròng 561,1 tỷ đồng. Đây là 2 quỹ chủ yếu có vốn Thái Lan.

Áp lực lãi suất

Không phải ngẫu nhiên hoạt động bán ròng của NĐTNN lại mạnh dần lên sau quyết định khởi động tiến trình giảm lãi suất trong nước. Mặc dù thời điểm cuối tháng 3-2023 khi Việt Nam bắt đầu giảm lãi suất, Fed cũng đã chậm nhịp tăng lãi suất, nhưng hai xu hướng vẫn ngược nhau. Lãi suất USD tăng về lý thuyết sẽ giúp giá trị đồng tiền này tăng giá và dòng vốn đầu tư quốc tế sẽ phải cân nhắc.

Hay áp lực tăng tỷ giá trong nước không mạnh nên không hẳn là nguyên nhân khiến dòng vốn ngoại chảy ngược. Nhiều dự báo của các tổ chức phân tích trong lẫn ngoài nước đánh giá, dù ngay cả khi NHNN có thêm một lần giảm lãi suất nữa trong quý III-2023 thì mức trượt giá VNĐ so với USD cũng không quá 2% so với thời điểm đầu năm 2023.

Có nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá như thặng dư thương mại cao, vốn FDI và kiều hối vẫn dồi dào, lãi suất tiết kiệm thực dương… Tuy vậy để hấp dẫn dòng vốn đầu tư mới lại là câu chuyện khác.

Câu chuyện trực tiếp nhất vẫn là sự ngược dòng của xu hướng lãi suất của Việt Nam với các nước, nhất là Fed. Hiện Fed được dự báo vẫn còn một lần tăng lãi suất nữa vào tháng 9 tới, nhưng chưa rõ bước đi kế tiếp như thế nào, nếu không tăng nữa thì duy trì ngưỡng lãi suất cao trong bao lâu.

Ngược lại, Việt Nam liệu có thể chỉ thêm một đợt giảm lãi suất nữa? Nếu Fed dừng tăng và phát tín hiệu rõ hơn về khả năng đảo chiều lãi suất, dòng vốn đầu tư quốc tế sẽ hoạt động mạnh trở lại. Nói đơn giản, câu chuyện lãi suất một khi trở nên rõ ràng và thuận chiều, khả năng cao dòng vốn ngoại mới sẽ quay trở lại.

Nếu Fed dừng tăng và phát tín hiệu rõ hơn về khả năng đảo chiều lãi suất, thì dòng vốn đầu tư quốc tế sẽ hoạt động mạnh trở lại. Nói đơn giản, câu chuyện lãi suất một khi trở nên rõ ràng và thuận chiều, khả năng cao dòng vốn ngoại mới sẽ quay trở lại.

Các tin khác