Để hạn chế tối đa tổn thất đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm giá tối đa 10% sau khi đấu giá không thành công trong quá trình thoái vốn, quy định hiện nay DN được giảm tới 30%.
Chỉ đấu giá một lần duy nhất
Theo dự thảo Quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều tại Nghị quyết số 15/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, Bộ Tài chính đã sửa đổi một số nội dung quan trọng quy định về mức giảm giá bán khi bán đấu giá.
Tại Điều 49 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản có quy định tài sản bán đấu giá được giảm giá 2 lần với mức giá giảm không quá 10% giá khởi điểm mỗi lần giảm giá.
Tại Điều 14 Nghị định số 151/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được giảm giá khởi điểm tối đa không quá 3 lần, mỗi lần không quá 10% so với giá khởi điểm của lần bán vốn trước đó để đấu giá bán tiếp phần vốn nhà nước tại các DN chuyển giao về SCIC (DN chưa niêm yết).
Như vậy, theo các quy định trên thì DN được giảm giá tối đa 3 lần (tương đương 30% khi đấu giá không thành công. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và tâm lý chờ mua thỏa thuận, đồng thời tạo điều kiện cho các DN thoái vốn thành công, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm giá tối đa là 10% sau khi đấu giá không thành công hoặc không bán hết cổ phần qua đấu giá để chuyển sang giá bán thỏa thuận. Tức là DN chỉ đấu giá 1 lần, nếu không thành công sẽ giảm 10% giá bán để bán thỏa thuận.
Bên cạnh đó, dự thảo Quyết định này bổ sung cũng quy định đối với vốn của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại thì thực hiện thoái vốn theo quy định hiện hành và quy định tại Quyết định này.
Trường hợp bán đấu giá không thành công hoặc không bán hết số cổ phần/phần vốn nhà nước chào bán qua đấu giá thì DN báo cáo chủ sở hữu vốn nhà nước để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu.
Yêu cầu bảo toàn vốn ở mức cao nhất
Nguyên tắc quy định thoái vốn cũng được Bộ Tài chính quy định cụ thể. Về cơ bản, các DN phải thực hiện các nguyên tắc, trình tự, thủ tục, phương thức thoái vốn theo quy định tại Nghị định 71/2013/NĐ-CP và các nội dung tại Quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều tại Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ khi thực hiện thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách và bán lại cho SCIC.
Đồng thời, tại dự thảo quy định mới này, Bộ Tài chính cũng yêu cầu thực hiện theo nguyên tắc hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất khi thực hiện thoái vốn. Cụ thể, các quy định về giá khởi điểm để bán đấu giá công khai trên cơ sở kết quả tư vấn của tổ chức có chức năng thẩm định giá nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư trừ đi số đã trích lập dự phòng (nếu có); quy định DN phải trích lập dự phòng bổ sung cho đủ dự phòng tổn thất đầu tư...
Ngoài ra, DN chỉ thực hiện bán thỏa thuận sau khi đấu giá không thành công hoặc không bán hết số cổ phần chào bán qua đấu giá. Trường hợp bán thỏa thuận không thành công đối với vốn đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng thì SCIC mua lại theo phương thức thỏa thuận theo giá thị trường trên cơ sở kết quả tư vấn của tổ chức có chức năng thẩm định giá, nhưng không cao hơn mức giá khởi điểm khi bán thỏa thuận mà không thành công.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN khi thoái vốn, ngoài quy định nguyên tắc về mức giảm giá bán nêu trên, Bộ Tài chính cũng bổ sung quy định DN được điều chỉnh giảm giá bán trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, được phép bán thỏa thuận sau khi đấu giá không thành công hoặc không bán hết số cổ phần chào bán qua đấu giá (giảm giá lần 1).
Thứ hai, bán cho SCIC sau khi bán thỏa thuận không thành công các khoản đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm ngân hàng (có thể giảm lần 2; bán theo giá thị trường trên cơ sở kết quả tư vấn của tổ chức định giá nhưng không cao hơn mức giá khởi điểm khi bán thỏa thuận mà không thành công).
Trong giai đoạn 2011-2013, có 180 DNNN đã được sắp xếp lại, tổng vốn đầu tư ngoài ngành đã thoái trong giai đoạn này là 4.164 tỷ/21.797 tỷ đồng. Trong giai đoạn đầu, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn thành công như: Tập đoàn Điện lực thoái vốn tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Nha Trang là 1.079 triệu đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, thoái vốn tại Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam là 4,4 tỷ đồng. Tổng công ty thép thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam là 61,5 tỷ đồng. Tổng công ty Sông Đà thoái vốn tại Quỹ Vietcombank 3 là 40 tỷ đồng... |