Thực tế cho thấy, không phải đến đợt bùng dịch Covid-19 thứ 4 tại TPHCM các bạn trẻ mới có ý thức chi tiêu tiết kiệm. Từ các đợt dịch trước đây, ngay sau khi trở lại bình thường, nhiều bạn đã chọn cách cắt giảm những khoản không cần thiết: hạn chế mua sắm hoặc mua sắm thông minh hơn thay vì thích là mua như trước đây; giảm chi cho các khoản trà sữa, đồ ăn vặt hay các bữa nhậu; nhu cầu giải trí, du lịch cũng được tiết chế và cân nhắc kỹ lưỡng hơn…
Từ chỗ là tín đồ của ăn hàng, nhiều bạn chọn nấu ăn ở nhà để đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm với những chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Cũng không ít bạn trẻ đăng tin ở ghép để giảm tiền trọ. Thậm chí, ngay cả việc rèn luyện sức khỏe, nhiều bạn chọn các hình thức tiết kiệm nhưng hiệu quả không kém: chạy bộ, tập thể dục ở công viên… thay vì đến phòng tập với huấn luyện viên hay các trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, rất nhiều bạn cố gắng xoay xở nhiều công việc khác nhau, nhận thêm việc, làm thêm giờ nếu có thể…
Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tháng là tết, việc tích lũy để có tiền về quê vừa là áp lực vừa là động lực phấn đấu của nhiều người trẻ. Không khí đoàn viên, sum vầy sau những ngày xa cách, đặc biệt khi chứng kiến quá nhiều sinh, ly, tử, biệt trong dịch bệnh, khiến họ càng nhận thức sâu sắc ý nghĩa của tình thân để tự nhủ chính mình phải cố gắng nhiều hơn. Có thêm thu nhập, tích lũy phụ ba mẹ chuẩn bị một cái tết đầy đủ, mua ít quà cáp hay có tiền lì xì cho các em, các cháu… là suy nghĩ của rất nhiều người trẻ.
Mong ước của nhiều người trẻ nói riêng là nhịp sống sẽ thực sự trở lại bình thường. Trước đây, nhiều người luôn đặt tiêu chí phải chọn công việc mình yêu thích, thu nhập tốt. Nhưng hiện tại, có công việc với thu nhập ổn định trở thành điều quan trọng nhất. Đó cũng là tiền đề trước hết giúp họ duy trì cuộc sống hiện tại và xa hơn, để xây dựng những kế hoạch thích ứng với cuộc sống mới trong tương lai. Khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, mọi sự chuẩn bị về tinh thần và vật chất, từ những điều nhỏ nhất sẽ giúp họ trưởng thành, vững vàng hơn.