Một phần bữa tiệc sinh nhật của sinh viên trong mùa dịch, đơn giản nhưng ấm áp
Tự tạo niềm vui
Hoài ở trọ trong một chung cư trên địa bàn phường Phú Hữu (TP Thủ Đức) từ năm nhất đại học. Tầng chung cư nơi Hoài ở đa phần là sinh viên, người mới ra trường đi làm hoặc gia đình trẻ nên mọi người khá thân thiết. Mỗi dịp đến sinh nhật ai, mọi người lại xúm vào tổ chức. Khi kéo nhau ra quán lẩu, khi thì đi ăn đồ nướng, hoặc ít nhất cũng phải có một bữa ở quán trà sữa.
Dịp này, sinh nhật Hoài đúng đợt dịch Covid-19 bùng phát, TPHCM liên tiếp công bố ca dương tính, nhiều người phải nghỉ việc, sinh viên nghỉ học, nghỉ làm thêm nên thu nhập không có; còn hàng quán ngưng phục vụ tại chỗ, người dân được khuyến cáo không tụ tập đông người. Thấy mọi người áy náy, Hoài quả quyết sẽ tự tổ chức sinh nhật; đảm bảo có bánh, có nước, vừa vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.
Ra chợ gần nhà, mua nguyên liệu hết 185.000 đồng, Hoài và cô bạn cùng phòng hì hụi làm siro mận, nước tắc sả, nước cam gừng, bánh khoai tẩm bột chiên rồi chia mỗi người một phần. Chị trong xóm làm ít bánh bông lan trứng muối gửi chung vui. “Buổi tối, mấy anh chị phòng bên gọi với sang phòng tôi chúc mừng sinh nhật, bọn trẻ con hát Happy Birthday cũng rôm rả ra trò. Đâu cứ phải kéo nhau ra ngoài tốn kém mới vui”, Hoài tâm sự.
Qua mấy đợt dịch, người ta không còn thấy cảnh người trẻ xếp hàng dài trước các tiệm trà sữa. Thay vào đó, hình ảnh các bạn tự tay làm mấy món đồ ăn, nước uống, bánh trái ưa thích ngày càng phổ biến hơn. Trên Facebook có cả những hội nhóm để người trẻ chia sẻ công thức, trao đổi kinh nghiệm làm những món ăn vặt, bánh trái.
Vũ Bích Kiều Trang (ngụ quận 3) được bạn bè gọi vui là “thiếu nữ ăn hàng”. Ở TPHCM có món ăn nào mới, quán ăn vặt nào ngon, Trang đều rành. Vậy mà gần đây, bạn bè thấy Trang tỉ mỉ làm từng cái bánh, rim từng miếng mứt. Trang bảo từ đợt dịch bùng phát lần 2, cô nghỉ hẳn ăn hàng. Phần vì ngồi hàng quán sợ “đụng trúng cô vy”, phần vì phải cân chỉnh lại chi tiêu nên Trang bắt đầu tự làm bánh, dầm trái cây, nấu trà sữa… để thỏa mãn đam mê ăn vặt của mình. Thi thoảng có thời gian, Trang còn làm nhiều chút để tặng bạn bè. “Cái cảm giác thử thành phẩm tự tay mình làm ra vừa háo hức, vừa hồi hộp cũng rất thú vị. Tự làm đồ ăn vặt mới thấy hồi đó mình chi cho nó khá nhiều tiền”, Trang cho biết.
Sắp xếp lại cuộc sống
Trải qua nhiều đợt dịch bùng phát, người trẻ đã thấm sự khó khăn về kinh tế nên các khoản chi tiêu cũng được tính toán lại. Ngày trước, thích gì mua nấy, thậm chí nhiều người cuồng mua đồ online thì nay đã biết tiết chế lại, chỉ những món thực sự cần thiết mới chi tiền, hoặc tham gia các nhóm trao đổi đồ.
Thống kê khoản chi cho quần áo, túi xách, mỹ phẩm, giày dép của mình từ đầu năm đến nay, Nguyễn Khánh Vy (Trường ĐH Hoa Sen) giật mình khi số tiền bỏ ra 5 tháng qua chỉ bằng 1 tháng trước đây. Gia đình có điều kiện nên Khánh Vy khá thoải mái trong chi tiêu. Làm thêm được bao nhiêu tiền, Khánh Vy dành cả cho quần áo, giày dép. Thế nhưng, từ đợt dịch thứ 2 vào giữa năm 2020, sau khi tham gia các hoạt động tình nguyện, tặng nhu yếu phẩm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, Khánh Vy thay đổi hoàn toàn cách chi tiêu.
Cô tham gia các nhóm trao đổi đồ cũ để đổi những món mình không sử dụng, lấy những món mình cần. “Trước đây có những món tôi mua về dùng 1-2 lần rồi bỏ đó, ai thích thì cho hoặc để lâu quá, lỗi mốt thì bỏ. Mấy tháng nay, tôi tham gia các nhóm trao đổi đồ trên mạng. Mình có đồ gì thì đăng lên, kèm theo đó là mong muốn đổi món gì, hoặc xem người ta đăng đổi món gì, phù hợp với nhu cầu của mình thì mình đổi”, Khánh Vy chia sẻ.
Cũng trên những trang thanh lý đồ cũ, chợ online, ngày càng nhiều thành viên tham gia “săn” đồ cũ. Phạm Huy Anh, 27 tuổi (ngụ TP Thủ Đức) thường xuyên đăng bài trên một số chợ online và hội nhóm đồ thanh lý tại TPHCM. Huy Anh chia sẻ, về chung một nhà trong điều kiện thành phố khuyến cáo không tụ tập đông người, ngoài thông báo trên trang cá nhân, vợ chồng Huy Anh còn tự tay làm thiệp báo hỷ gửi đến bạn bè, người thân.
Để thích ứng với “trạng thái chi tiêu bình thường mới”, vợ chồng anh tiết giảm tối đa các khoản mua sắm. 100% nội thất cho tổ ấm mới được vợ chồng Huy Anh “săn” hàng second hand (hàng đã qua sử dụng). “Vợ chồng tôi vào mấy trang chợ online của các chung cư rồi mua lại đồ họ thanh lý. Giá chỉ bằng 1/3 mà vẫn còn rất tốt vì thường là họ thay đổi nội thất hoặc chuyển nhà nên thanh lý lại”, Huy Anh chia sẻ.
TPHCM nói riêng, cả nước nói chung đang gồng mình chống dịch Covid-19. Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và thu nhập của người dân. Đó cũng là nguyên nhân một bộ phận giới trẻ thay đổi thói quen chi tiêu để thích ứng với trạng thái bình thường mới.