Chi tỷ USD nhập khẩu gạo, nghịch lý hay thuận thế?

(ĐTTCO) - Có người đã thốt lên “ngạc nhiên chưa?” về khoản chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu gạo. Phải chăng đang tồn tại nghịch lý trong xuất - nhập khẩu gạo hay Việt Nam đang bước vào “cuộc chơi mới”?

Chi tỷ USD nhập khẩu gạo, nghịch lý hay thuận thế?

Tích cực từ “nghịch lý”

9 tháng năm 2024, nước ta đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, thu về 4,37 tỷ USD, nhưng cũng chi gần 1 tỷ USD để nhập khẩu gạo cho tiêu dùng trong nước. Lượng gạo nhập dự kiến sẽ còn tăng lên, tiêu tốn khoảng 1,3 tỷ USD trong năm nay.

Có nghịch lý hay không khi Việt Nam đang là “ngôi sao đang lên” trên thị trường lúa gạo toàn cầu sau hơn 3 thập niên quay trở lại và nhanh chóng vào Top 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đặc biệt, ngành gạo Việt thắng lớn 2 năm qua, liên tục xác lập các kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu và bán gạo được giá cao.

Nhiều thời điểm, gạo Việt đã vượt lên cao hơn gạo Thái, có giá bán cao nhất. Ngành hàng lúa gạo và xuất khẩu gạo nước ta đang tạo ra bước chuyển mới từ lượng sang chất, từ nền sản xuất lúa gạo sang kinh tế lúa gạo.

TS-Tran-Huu-Hiep.jpg

Những năm gần đây, hầu hết nông dân ĐBSCL đã chuyển sang trồng các giống gạo ngon, thực hành nông nghiệp tốt, xây dựng thương hiệu, chú trọng phân khúc gạo chất lượng và bán được giá cao. Trong khi đó, nhu cầu thị trường vẫn đang cần các loại gạo thường, giá thấp để làm nguyên liệu cho bún, phở, bánh tráng.

Trên thực tế, luôn tồn tại nhiều phân khúc gạo khác nhau như từ xuất khẩu hay tiêu dùng nội địa với các yêu cầu bình dân, đến chất lượng và chất lượng nghiêm ngặt. Việc xuất-nhập gạo cũng không còn quản theo quota. Chúng ta xuất khẩu gạo, nhưng cũng phải thực hiện cam kết mở cửa thị trường, tiếp nhận lượng gạo nhập theo nhu cầu tiêu dùng và chấp nhận cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Vì vậy, ngoài xuất khẩu, nước ta cũng nhập một lượng lớn gạo để bù đắp nhu cầu các phân khúc tiêu dùng trong nước để chế biến thực phẩm, làm phụ phẩm, thức ăn chăn nuôi.

Thống kê cho thấy, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam trong 9 tháng năm nay ở mức 624USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo ghi nhận từ các doanh nghiệp, giá gạo nhập khẩu về Việt Nam phổ biến trong khoảng 480-500USD/tấn.

Với khoảng cách chênh lệch lớn giữa giá gạo xuất-nhập, các doanh nghiệp sản xuất có quyền lựa chọn gạo ngoại nhập có lợi hơn. Giải bài toán kinh doanh là xử lý mối quan hệ cung-cầu với cân nhắc chi phí và lợi ích. Trong khi gạo trong nước có giá cao hơn thì doanh nghiệp nhập gạo giá thấp hơn làm nguyên liệu là chuyện đương nhiên.

Từ góc nhìn đó, chuyện chi 1 tỷ USD hay nhiều hơn cho việc nhập gạo tiêu dùng mà mang lại lợi ích tốt hơn, trong khi ta vẫn thắng lợi trong xuất khẩu gạo không còn là nghịch lý mà vẫn là việc nên làm.

Con đường lúa gạo mới

Ngành kinh tế lúa gạo đang được tiếp cận theo tư duy khác trước, đánh dấu một bước chuyển lịch sử. Từ đơn ngành, đơn giá trị sang kết nối đa ngành, tích hợp đa giá trị để mang lại đa thu nhập, đa lợi ích, giải quyết những bất cập của ngành trồng lúa, thu nhập bấp bênh của người nông dân bằng cách cân bằng lợi ích dựa trên 3 trụ cột phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đang rất được kỳ vọng cho một giai đoạn phát triển mới. Không gian phát triển lúa gạo trọng điểm đang được cụ thể hóa trong một không gian vật lý cụ thể.

Đó còn là sự tích hợp với các nguồn lực vật chất, từ lợi thế tự nhiên, các nguồn tài chính, khoa học công nghệ; đặc biệt là nguồn lực con người trong mối liên kết các tác nhân quan trọng trong chuỗi giá trị hàng hóa lúa gạo gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Việc gia tăng giá trị từ việc sản xuất lúa giảm phát thải nhà kính để có thể bán tín chỉ carbon cũng là cách tiếp cận kinh tế mới mang nhiều trách nhiệm xã hội và môi trường.

Việc xuất-nhập khẩu gạo bao nhiêu là đủ và có lợi nhất phải trên cơ sở bài toán của doanh nghiệp và điều tiết của thị trường, được hỗ trợ từ chính sách chứ không thể cảm nhận bằng con số và danh vị của một cường quốc xuất khẩu gạo không cần nhập gạo.

Bài toán phát triển cây lúa và thu nhập của người trồng lúa được đặt trong bức tranh tổng thể của nền nông nghiệp thông minh và nông thôn hiện đại, gắn với doanh nghiệp và các ngành nghề khác để gia tăng giá trị chứ không thể quanh quẩn trong mảnh ruộng.

Vì vậy, chúng ta đang cần tiếp tục hướng tới sản xuất lớn hơn, ứng dụng công nghệ tốt hơn và quản lý phù hợp hơn, kết hợp chế biến sâu, đổi mới sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị hơn từ hạt lúa bằng cách phát triển các ngành công nghiệp sau gạo, thương hiệu hóa sản phẩm để ngành hàng lúa gạo có giá trị gia tăng gấp nhiều lần. Đồng thời, chấp nhận cạnh tranh trong việc xuất - nhập gạo khi thị trường lúa gạo toàn cầu đang là một cánh cửa mở.

Cần tiếp tục với cách tiếp cận mới để “chiếc bánh lúa gạo” lớn thêm với cách chọn lựa “con đường lúa gạo mới”. Chỉ khi nào không gian giá trị lớn hơn không gian chúng ta nhìn thấy là bao nhiêu ha lúa, bao nhiêu tấn lúa trên đồng, tức chuyển từ đơn giá trị của hạt lúa sang đa giá trị, thì lúc đó sẽ giải quyết hài hòa, chiếc bánh sẽ lớn hơn.

Không gian phát triển lúa gạo đang mở ra phía trước từ tư duy mới, cách tiếp cận mới và cách thức giải bài toán lúa gạo và chọn con đường lúa gạo mới cho Việt Nam.

Ngành kinh tế lúa gạo đang được tiếp cận theo tư duy khác trước, đánh dấu một bước chuyển lịch sử. Từ đơn ngành, đơn giá trị sang kết nối đa ngành, tích hợp đa giá trị để mang lại đa thu nhập, đa lợi ích cho người dân và nền kinh tế. Chuyện chi 1 tỷ USD hay nhiều hơn cho việc nhập gạo tiêu dùng mà mang lại lợi ích tốt hơn, trong khi ta vẫn thắng lợi trong xuất khẩu gạo, sẽ không còn là nghịch lý mà vẫn là việc nên làm.

Các tin khác