Theo đó, các CFO cho biết đang có kế hoạch điều chỉnh lại chuỗi cung ứng và các vấn đề của bên thứ ba để chuẩn bị tốt hơn cho các khủng hoảng trong tương lai. Cụ thể, hơn một nửa (51%) các CFO đánh giá việc xác định và phát triển thêm nguồn cung thay thế là vấn đề cấp bách trong chiến lược chuỗi cung ứng. Trong khi đó, 45% các CFO mong muốn thay đổi các điều khoản hợp đồng và 45% muốn hiểu rõ hơn về tình hình tài chính và hoạt động của các nhà cung cấp hiện nay và trong tương lai.
Là một trong số các quốc gia đầu tiên mở cửa lại nền kinh tế, Việt Nam cần tận dụng lợi thế này làm nền tảng vươn lên và xây dựng chiến lược thích ứng chủ động. Đây là thời điểm đòi hỏi các doanh nghiệp có cái nhìn rõ nét hơn về chuỗi cung ứng, và đặt ra câu hỏi làm thế nào để xây dựng chiến lược thích ứng dài hạn cho doanh nghiệp.
“Cuộc khủng hoảng lần này đã mang đến những bài học kinh nghiệm quý giá, các doanh nghiệp cần tận dụng khả năng thích ứng nhanh nhạy mà họ đã xây dựng được. Chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ không chỉ xoay quanh hiệu suất và quản lý chi phí mà sẽ dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng đó. Đánh giá tình hình một cách chiến lược và từ đó linh hoạt điều chỉnh chuỗi cung có thể sẽ mang lại lợi thế canh trạnh lâu dài cho doanh nghiệp” - ông Grant Dennis, Chủ tịch PwC Việt Nam nhận định.