Chính phủ đồng ý cho Tập đoàn T&T mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga

(ĐTTCO) - Chính phủ đã có Nghị quyết đồng ý giới thiệu để Tập đoàn T&T đàm phán mua 40 triệu liều vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga theo đề xuất của Bộ Y tế.
Tập đoàn T&T sẽ đàm phán trực tiếp mua 40 triệu liều vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga không dùng kinh phí nhà nước.
Tập đoàn T&T sẽ đàm phán trực tiếp mua 40 triệu liều vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga không dùng kinh phí nhà nước.

Nghị quyết ban hành chiều 12-7, đồng ý theo đề xuất của Bộ Y tế để Tập đoàn T&T đàm phán trực tiếp với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF), mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V. Nguồn kinh phí mua vaccine Covid-19 của Nga sản xuất do Tập đoàn T&T huy động, không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước và Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam.

Trên cơ sở yêu cầu của nhà sản xuất vaccine, Chính phủ cũng sẽ ký thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm sử dụng vaccine Sputnik V, với nội dung tương tự như nội dung thỏa thuận mà Bộ Y tế đã ký trong các trường hợp mua vaccine BNT162 của Pfizer và vaccine AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC).

Cũng theo Nghị quyết, Bộ Y tế thực hiện việc cấp phép nhập khẩu, kiểm định, kiểm soát chất lượng vaccine. Đồng thời tổ chức tiêm miễn phí toàn bộ 40 triệu liều vaccine Covid-19 Sputnik V theo quy định.

Nghị quyết cũng giao Bộ Ngoại giao phối hợp thực hiện các thủ tục ngoại giao có liên quan; Bộ Giao thông Vận tải phối hợp tổ chức vận chuyển. Các Bộ Quốc phòng, Công an và các cơ quan, địa phương liên quan cùng Bộ Y tế xây dựng kế hoạch, tổ chức tiêm chủng theo quy định.

Trước đó, Chính phủ cũng đã thông qua Nghị quyết mua 31 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer trong đợt 1 và 20 triệu liều đợt 2. Đồng thời, giới thiệu để VNVC đàm phán, mua 30 triệu liều vắc xin AZD1222 do AstraZeneca sản xuất.
Đến ngày 10-7, Việt Nam đã tiếp nhận gần 9 triệu liều vaccine Covid-19, gồm 5 loại vaccine là AstraZeneca, Sputnik-V, Pfizer, Moderna, Sinopharm. Trong số này gồm tiếp nhận từ nguồn COVAX, từ viện trợ của Chính phủ Nhật Bản, Trung Quốc và nguồn do Bộ Y tế đặt mua thông qua VNVC. 

Các tin khác