Chủ tịch UBND quận 5 Trương Minh Kiều trao túi an sinh cho người dân tại phường 14
TPHCM thực hiện giãn cách nghiêm ngặt thời gian qua đã khiến cuộc sống của một bộ phận người dân ngày thêm khó khăn. Do vậy, xuyên suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều hành hệ thống chính quyền, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, luôn nhắc nhở bằng mọi giá phải đảm bảo công tác an sinh xã hội kịp thời đối với nhân dân thành phố, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Báo SGGP đã trao đổi với những người có trách nhiệm xung quanh việc thực hiện các giải pháp mới liên quan công tác đảm bảo an sinh xã hội thời gian tới.
Nhiệm vụ “thời chiến”
- PHÓNG VIÊN: Trung tâm An sinh TPHCM được thành lập nhằm tập trung hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19. Qua thực tế triển khai, đồng chí có đánh giá như thế nào về mô hình này?
* Đồng chí TÔ THỊ BÍCH CHÂU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Giám đốc Trung tâm An sinh TPHCM: Tính đến ngày 3-9, Trung tâm An sinh TPHCM vận động được hơn 1,8 triệu túi an sinh. Trung tâm đã chuyển hơn 1,4 triệu túi tới các quận huyện và TP Thủ Đức để chăm lo người dân. Tuy nhiên, TPHCM có hơn 4,5 triệu người khó khăn, do vậy còn hơn 2,5 triệu người vẫn chưa được nhận túi an sinh.
Hiện Trung tâm An sinh TPHCM còn nhiều khó khăn cần khắc phục.
Thứ nhất, về nhân sự điều hành ai cũng là “dân tay ngang”, vừa làm vừa học.
Thứ hai, về công cụ cần phải xây dựng mới hệ thống quản trị phù hợp với đặc thù thành phố và mong muốn sử dụng lâu dài cho hệ thống an sinh sau này.
Thứ ba, lực lượng mỏng và nhiều anh em cơ sở là F0, F1 trong khi việc rất nhiều.
Thứ tư là khó khăn về cung ứng hàng hóa.
Thứ năm, việc vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở thời điểm này rất khó vì chính họ cũng đang rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là “thời chiến”, vừa làm vừa điều chỉnh chứ không chờ hoàn chỉnh mới làm.
- Trước những khó khăn đó, Trung tâm An sinh TPHCM có những giải pháp nào để thực hiện tốt công tác an sinh, đảm bảo không ai khó khăn, thiếu ăn?
* Hiện nay, chúng ta có cán bộ thành phố tăng cường về cơ sở; tình nguyện viên và shipper để vận chuyển hàng hóa tới hộ dân cùng lực lượng của Trung ương. Trung tâm An sinh TPHCM đã, sẽ kết nối và điều phối các lực lượng để phát huy tối đa các nguồn lực, mang túi an sinh tới người dân nhanh nhất.
Để phục vụ người dân và đảm bảo các yêu cầu cứu trợ được xử lý nhanh nhất, trung tâm đã công bố hệ thống ghi nhận yêu cầu hỗ trợ túi an sinh trên ứng dụng “An sinh”. Người dân tải ứng dụng để khi cần có thể gửi yêu cầu. Qua đó, địa phương ghi nhận và xử lý thông tin, nếu đúng sẽ hỗ trợ. Ứng dụng cũng cho phép người có điều kiện muốn hỗ trợ, giúp đỡ cho những trường hợp gặp khó khăn cụ thể. Điều này giúp TPHCM huy động được nguồn lực, đồng thời thể hiện trách nhiệm cộng đồng và sự sẻ chia.
Trung tâm tiếp tục vận động các nguồn lực từ Trung ương, các tỉnh thành, các tổ chức, cá nhân để có nhiều hơn nữa túi an sinh. Sắp tới, TPHCM chuẩn bị 2 triệu gói an sinh nữa (chi từ nguồn ngân sách của thành phố), trị giá như thế nào còn đang bàn bạc nhưng thành phố cố gắng các gói hỗ trợ phủ kín tất cả người khó khăn.
Thực hiện đồng nhất một mức hỗ trợ
- Qua các đợt hỗ trợ, đến nay vẫn có không ít người dân phản ánh chưa nhận được hỗ trợ vì “không đủ điều kiện” hoặc “nằm ngoài nhóm được hỗ trợ”. Chúng ta có giải pháp ra sao để đảm bảo chăm lo cho toàn bộ hoàn cảnh cần giúp?
* Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM LÊ MINH TẤN: Dự kiến đến ngày 6-9, TPHCM hoàn thành việc chi gói hỗ trợ 2+ (gói hỗ trợ lần 2 mở rộng) đối với 1,3 triệu lượt người lao động tự do và 1,2 triệu hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Quy mô của gói 2+ là 2.576 tỷ đồng và đến nay đã đạt 85%. Đồng thời, TPHCM soát xét, nếu có sót trường hợp nào, chi bổ sung trước ngày 15-9.
Thành phố cũng đang lập dữ liệu quản lý dân cư, có dữ liệu chung về từng hộ có hoàn cảnh khó khăn, từng người lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn để sau này tiếp tục triển khai hỗ trợ nhanh nhất theo thực tế dịch bệnh.
Đến thời điểm này, TPHCM không phân biệt “đủ điều kiện” hay “không đủ điều kiện”, cũng không phân định “nằm ngoài nhóm được hỗ trợ” hay “nằm trong nhóm được hỗ trợ”. Từ tháng 8-2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, số người gặp khó khăn gia tăng mạnh thì thành phố đã “mở” hoàn toàn trong công tác hỗ trợ. Việc hỗ trợ lúc này là vô điều kiện, người dân cứ khó khăn là được hỗ trợ ngay.
Cùng với ngân sách tại chỗ, TPHCM đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ và tiếp tục vận động cộng đồng hỗ trợ người dân. Tới đây, thành phố thực hiện đồng nhất một mức hỗ trợ. Dù chi hỗ trợ từ ngân sách hay từ nguồn vận động cộng đồng, mức cuối cùng người dân nhận được sẽ bằng nhau.
Thực sự lúc này đời sống người dân rất khó khăn. Dù được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng thì tính ra cũng chỉ được 50.000 đồng/người/ngày. Ở một siêu đô thị có giá sinh hoạt đắt đỏ như TPHCM, với mức đó, người dân vẫn khó khăn. Một gia đình 4 người nhận 1,5 triệu đồng/tháng/hộ không thấm vào đâu. Vì thế, yêu cầu đặt ra là thành phố sớm phục hồi sản xuất, vì bảo đảm sản xuất là bảo đảm an sinh, khi việc làm là an sinh. Hiện nay, khoảng 60% doanh nghiệp đang “chết lâm sàng”.
TPHCM đang xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, mở lại từng bước các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Giúp doanh nghiệp chính là giúp cho người lao động. Vì một doanh nghiệp được cứu là hàng chục, hàng trăm người lao động được cứu. Đây là cách an sinh bền vững.
- Là địa bàn có đông công nhân ở trọ cần được chăm lo, trong khi nguồn lực của thành phố có hạn, quận 7 có giải pháp gì để đảm bảo nguồn nhu yếu phẩm phục vụ người dân?
* Bí thư Quận ủy Quận 7 VÕ KHẮC THÁI: Địa phương có hơn 45.000 công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở trọ và hơn 1.960 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Dịch Covid-19 kéo dài gần 4 tháng tác động sâu đến đời sống người dân. Số lượng người khó khăn cần được hỗ trợ tăng theo thời gian giãn cách. Vì vậy, bên cạnh chăm lo về y tế, quận tập trung các giải pháp chăm lo đời sống người dân.
Cụ thể, để có nguồn nhu yếu phẩm phục vụ người dân, ngoài nguồn thành phố phân bổ, quận đã sớm chủ động vận động nguồn lực trong nhân dân. Đến nay, qua các đợt vận động hỗ trợ, quận vận động được số lượng hàng hóa tương đương 100 tỷ đồng; vận động 2.500 phòng trọ miễn, giảm tiền thuê với gần 16,5 tỷ đồng.
Trong phân phối, đưa lương thực, nhu yếu phẩm đến người dân, ngoài cán bộ, công chức địa phương, đoàn thanh niên, cán bộ khu phố, bộ đội…, quận 7 cũng lập các tổ tự quản an sinh xã hội, với 30-50 gia đình hoặc 1 tầng chung cư thành một tổ. Các tổ không chỉ đưa lương thực, nhu yếu phẩm đến tận tay người dân mà còn tham gia giám sát để việc chăm lo, hỗ trợ sâu sát hơn. Tổ tự quản đã sâu sát đến từng địa bàn, từ 16.000 số hộ cần được chăm lo, hiện tăng trên 66.000 hộ.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình trên, quận chỉ đạo các phường tiếp tục chia nhỏ địa bàn. Mỗi tổ tự quản an sinh được chia thành các nhóm (10 hộ/nhóm), thành lập các group Zalo để kịp thời trao đổi thông tin. Qua thông tin của Tổ tự quản an sinh, địa phương cũng nắm được các trường hợp cần hỗ trợ phát sinh hoặc nhân khẩu trong các hộ để có hướng chăm lo tốt hơn, tránh tình trạng gia đình dư, gia đình thiếu thực phẩm.
Từ đầu mùa dịch đến nay, TPHCM đã phân phối 3 đợt, quận vận động thêm 5 đợt để hỗ trợ, đảm bảo 7-10 ngày người dân nhận nhu yếu phẩm một lần. Quận đang chủ động chuẩn bị nguồn chăm lo đủ nhu yếu phẩm đến ngày 15-9, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế theo nhân khẩu của mỗi hộ dân.
Lo cho người dân ít nhất 3-4 tháng nữa Đồng chí Võ Văn Hoan-Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trả lời tại chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” ngày 1-9 |