Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ sẽ đạt khoảng 4,3 tỷ USD. Trong khi đó, hồi đầu năm các nhà quản lý dự báo kim ngạch của toàn ngành sẽ đạt đến 4,5 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, sự sụt giảm về kim ngạch so với dự báo là do năm nay các DN gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn tín dụng, lãi vay cao, trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh. Ngoài những khó khăn nội tại, các nước nhập khẩu gỗ chủ lực của Việt Nam đã xây dựng nhiều quy định khắt khe trong việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu gỗ, gây khó cho việc xuất khẩu.
Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU với số lượng lớn. Song do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các thị trường này giảm nhập khẩu đồ gỗ. Do đó, các DN phải tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu vào các thị trường Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ cũng như các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo số liệu thống kê, ngành gỗ đang có khoảng 93% DN nhỏ và siêu nhỏ xét trên quy mô vốn đầu tư và mức độ sử dụng lao động. Khi tham gia hoạt động sản xuất, các DN này tự thực hiện tất cả các khâu tìm đối tác nhập nguyên liệu, vận chuyển, cưa xẻ, chế biến và phân phối. Do hoạt động độc lập nên chi phí để cho ra sản phẩm rất cao.
Trong khi đó, thị trường trong nước tuy thiếu nguyên liệu gỗ để sản xuất các sản phẩm đồ gỗ nhưng lại thừa lượng gỗ thiếu chất lượng. Nguyên nhân do ngân hàng cho vay không khớp với thời gian phát triển của gỗ nguyên liệu nên người trồng buộc phải chặt rừng bán sớm để trả nợ. Thị trường trong nước lại thiếu các nhà máy chế biến gỗ MDF từ dăm gỗ nên dăm gỗ lại chủ yếu xuất khẩu với giá thấp và phải nhập gỗ MDF với giá rất cao.
Mặc dù còn nhiều yếu tố bất lợi, nhưng các chuyên gia trong ngành tin rằng nếu có chính sách phát triển phù hợp, trong khoảng 1 thập niên tới, ngành chế biến gỗ xuất khẩu vẫn có thể đạt được kim ngạch từ 15-20 tỷ USD. Bởi hiện Trung Quốc đang yêu cầu các DN chế biến gỗ ở nước này lùi sâu vào nội địa thay vì nằm ở các khu vực ven biển như hiện nay.
Điều này sẽ khiến giá vận chuyển tăng lên, làm tăng chi phí sản phẩm. Hơn nữa, giá công nhân ở Trung Quốc và Malaysia đang cao gần gấp đôi Việt Nam nên các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ tìm đến thị trường Việt Nam nhiều hơn.
Điều quan trọng nhất là Nhà nước cần đề ra chính sách hỗ trợ hợp lý để người trồng rừng yên tâm, không phải khai thác sớm cũng như được quốc tế cấp chứng chỉ rừng để cung ứng cho ngành chế biến gỗ trong nước, thay vì tiếp tục phải xuất khẩu dăm gỗ. Đồng thời, ngành chế biến gỗ cần được đưa vào danh mục các ngành kinh tế mũi nhọn để được quy hoạch phát triển bền vững.