Du lịch không quá kỳ vọng gói hỗ trợ lãi suất 2%
Là một trong những nhóm ngành và lĩnh vực được Chính phủ quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi vay từ NSNN với mức lãi suất hỗ trợ 2%/năm, nhưng nhiều DN du lịch, nhà hàng tỏ ra không mấy hồ hởi, thậm chí có DN chưa nghe đến nghị định này.
Chia sẻ với ĐTTC, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Du lịch Image travel, chuyên đón khách quốc tế, cho biết đến thời điểm hiện tại vẫn chưa biết thông tin này, nhưng nếu có biết cũng không tìm đọc kỹ Nghị định 31. Theo ông Toản, đến nay sau hơn 2 năm ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hỗ trợ của Nhà nước chưa mang lại giá trị thực sự cho DN, còn khiến DN tốn nhân lực, mất thời gian tìm hiểu, tiếp cận mà không thu được gì.
“DN không còn niềm tin sẽ tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất, vì từ nghị định của Chính phủ khi tới các NH lại là câu chuyện khác. Có khi để tiếp cận được gói vay phải qua nhiều bước xin-cho” - ông Toản nói.
Cùng chung tâm trạng không mấy hồ hởi khi nghe tới mức hỗ trợ lãi vay 2%, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vietcircle, nhận định thoạt nghe mức hỗ trợ lãi vay 2%/năm rất phấn khởi, song các DN đặc biệt là nhóm DN lữ hành có tiếp cận được hay không vẫn chưa thể trả lời.
Lý do muốn vay vốn phải có tài sản đảm bảo, chưa kể khi vay vốn với các gói hỗ trợ phải đáp ứng thêm không ít yêu cầu của các NHTM, trong khi DN sau 2 năm bị tác động bởi Covid-19 gần như đã hết tài sản để thế chấp. Hầu hết DN đều mong nhận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để vực dậy nhanh hơn. Song chính hành trình tiếp cận nhiều gian nan đã làm DN nản lòng.
Bà Kim Định, chủ sở hữu tổ hợp nhà hàng, khách sạn 36 Trần Phú, Nha Trang, bày tỏ chưa trông mong các gói vay ưu đãi có thể đến với DN mình lập tức. Chia sẻ thêm về hoạt động của nhóm ngành lưu trú, ăn uống hiện nay, bà Định cho biết trong số khách sạn bà sở hữu và vận hành vẫn có khách sạn đang đóng cửa.
Lượng khách hiện nay có thể dồn dập vào một số thời điểm như các dip nghỉ lễ, hè nhưng có những ngày vẫn còn vắng và phân bổ chưa đều. Điều này đồng nghĩa với dòng tiền thu về vẫn thất thường khiến việc cân đối chi phí vốn vay không hề đơn giản.
Vay vốn với lãi suất giảm khó tiếp cận, vậy điều DN mong muốn lúc này là gì? Ông Toản cho biết những DN đón khách quốc tế như Image travel cần lúc này là làm sao nối lại nhiều hơn các chuyến bay quốc tế, cũng như chính sách visa cho khách đoàn cần thông thoáng hơn.
Hiện đường bay chưa có nhiều, thủ tục visa cho khách đoàn phức tạp khiến giá bị đội lên cao. Nếu trước dịch thời điểm cuối năm Image travel đón khoảng 200-300 đoàn khách, năm nay ước chừng con số chỉ dừng lại ở khoảng 10%. Chỉ có khách du lịch mới cứu được DN, không phải chính sách hỗ trợ lãi suất.
Tương tự, bà Kim Định cũng cho rằng nếu có nhiều hơn chương trình văn hóa, lễ hội và thể thao đặc sắc để kéo du khách tới địa phương, sẽ hiệu quả, nhanh chóng tức thì hơn cả giảm lãi suất cho vay.
Không chỉ DN ngành du lịch, lưu trú, ăn uống lo ngại việc tiếp cận không thành, nhiều DN thuộc các lĩnh vực khác cũng cùng chung câu hỏi làm thế nào tiếp cận gói hỗ trợ. Liệu DN có phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, như không có nợ xấu, phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm… hay không. Nếu có liệu bao nhiêu DN trong nhóm được hỗ trợ có thể đáp ứng, vì sau hơn 2 năm dịch lại giữa lúc bão giá đầu vào DN khó đang càng thêm khó.
DN nhỏ, siêu nhỏ mong chính sách riêng
DN nhỏ, siêu nhỏ mong chính sách riêng
Nếu Nghị định 31 của Chính phủ mới mang lại niềm vui dù chưa có nhiều hy vọng được sớm tiếp cận với không ít DN, Nghị định 34/2022/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2022 được đánh giá tác động trực tiếp tới DN, được DN mong mỏi đón nhận nhiều hơn.
Song theo phân tích của nhiều chuyên gia, trong lúc giá cả đầu vào đang tăng mạnh hiện nay, DN phải chịu áp lực lớn về chi phí tài chính, nếu các loại thuế, tiền thuê đất được hoãn cũng giống như Nhà nước cho DN vay vốn không tính lãi. Chưa kể với thuế GTGT là thuế gián thu, khi được gia hạn thời gian nộp thuế đối với sắc thuế này, người nộp thuế được sử dụng khoản tiền không phải là của mình trong thời gian gia hạn (đối tượng chịu thuế là người tiêu dùng).
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, nhận định sau chính sách giảm 2% thuế GTGT, Nghị định 34 lần này tiếp tục trở thành thông tin tích cực với nhiều DN. Trong bối cảnh DN chịu nhiều áp lực chi phí đầu vào, vay ngân hàng không phải lúc nào cũng thuận lợi, lại thêm mối lo lãi vay tăng khi lãi suất huy động đang tăng cao, nên việc được gia hạn nhiều loại thuế sẽ giúp DN có thêm dòng vốn cho sản xuất không phải chịu chi phí lãi vay.
Song ông Tống cũng cho rằng DN cần chủ động trong việc sử dụng dòng vốn này, vì gia hạn thời hạn nộp thuế có những mốc thời gian cố định, nếu không chủ động có thể dẫn tới rủi ro đến hạn đóng vốn chưa kịp xoay vòng.
Thực tế, khoản hỗ trợ nào cũng có nhóm DN trông mong, có nhóm không quá kỳ vọng. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Meet More cafe, cho rằng Nghị định 34 sẽ tác động tích cực lên nhóm DN vừa và lớn, những đối tượng đóng thuế nhiều, còn nhóm DN nhỏ, siêu nhỏ không có nhiều tác động, vì các nguồn thu đều ít, thuế đóng ít nên các khoản hoãn thuế cũng không là bao, vì thế dòng tiền xoay chuyển cho sản xuất cũng không đáng kể.
Cũng theo ông Luận nên chia chính sách cho từng nhóm đối tượng DN, trong đó cần có chính sách riêng cho khối DN nhỏ và siêu nhỏ. Từ thời điểm dịch đến nay nhiều chính sách hỗ trợ đưa ra nhưng mang tính chất “đổ đồng”, và gần như các DN nhỏ vẫn phải tự mình xoay trở vượt qua khó khăn trong bối cảnh giá đầu vào tăng phi mã, còn giá đầu ra tăng chậm, thậm chí không thể tăng do sức mua quá yếu.
Các DN đều mong nhận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để vực dậy nhanh hơn. Song chính hành trình tiếp cận nhiều gian nan đã làm DN nản lòng. |