“Máu không chảy về tim”
Điều thú vị, từ “khẩn cấp” (emergency) có cùng ý nghĩa với từ “cấp cứu” trong y khoa, đặc biệt tại thời điểm này, khi dịch Covid-19 lan nhanh trong tuần lễ cuối tháng 2, dẫn đến tuần lễ giảm điểm kỷ lục của thị trường cổ phiếu toàn cầu, trong đó có phiên giảm điểm lịch sử gần 1.200 điểm của chỉ số Dow Jones.
Quan trọng hơn, nhiều doanh nghiệp ở Mỹ liên tục cảnh báo lợi nhuận sẽ sụt giảm mạnh, bao gồm cả những công ty được Wall Street ưu ái như Microsoft và Apple. Nếu 2 công ty này có thực lực và lượng tiền mặt dồi dào hơn 100 tỷ USD sẽ không phải quá lo lắng cho dù lợi nhuận sụt giảm, thì nhiều công ty niêm yết khác không được may mắn như vậy.
Tờ Economist trích dẫn nhận định rằng, khoảng 1/4 trong hơn 2.000 công ty niêm yết chủ chốt ở Mỹ có thể không còn đủ tiền mặt để chống chọi với dịch bệnh kéo dài, đặc biệt những công ty phải trả chi phí cố định như tiền thuê mặt bằng, kho bãi lớn. Còn các chuyên gia của Bank for International Settlements (BIS), ước tính 12% công ty ở các nền kinh tế phát triển sẽ gặp khó khăn việc trả lãi trong quý này.
Việc chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc giảm xuống mức 35,7 điểm, thấp nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu được thu thập, thấp hơn cả giai đoạn tệ nhất của khủng hoảng tài chính 2007-2009, khiến người ta liên tưởng đến điều xấu nhất sẽ xảy ra với Mỹ và châu Âu. Trung Quốc bùng nổ dịch sớm hơn Mỹ và châu Âu gần 2 tháng, có thể dự đoán điều tệ hại nhất đang đợi 2 nền kinh tế lớn này trong vòng 1 tháng tới.
Nói cách khác, trước khi Fed cắt lãi suất khẩn cấp, Chủ tịch Fed có thể đã nhận được tín hiệu từ giới doanh nghiệp rằng họ khó chống chọi tiếp nếu các thành viên thị trường mở liên bang (FOMC) không làm cái gì đó.
Làm thế nào doanh nghiệp có “tiền tươi” để tồn tại, người dân có tiền để chi tiêu trong bối cảnh nền kinh tế đang dần tê liệt, là thử thách lớn nhất hiện nay, nên những biện pháp “điều trị” tiếp theo phải nhắm vào nguồn bệnh này. |
Rất tiếc, lần này Fed có vẻ không mấy thành công. Họ cấp cứu bằng cách cắt lãi suất khẩn cấp, nhưng có vẻ “máu họ bơm ra không chảy về tim”. Thị trường cổ phiếu đóng cửa ngày thứ Sáu 6-3 trong sắc đỏ, giảm khoảng 1,7%, dù đã tránh được đợt sụt giảm 4% nữa của chỉ số S&P 500.
Dòng tiền trên thị trường tài chính chạy về vàng và trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ, đặc biệt là trái phiếu. Lợi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ Mỹ giảm xuống dưới 0,7% trước khi tăng lại và đóng cửa ở khoảng 0,75%. Nếu đứng ở thời điểm đầu năm, rất khó tưởng tượng chỉ trong hơn 2 tháng, lợi suất lại giảm mạnh như vậy. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ hồi đầu năm khoảng 1,9-2%.
Tốc độ rớt này là không tưởng đối với nhiều người theo dõi thị trường trái phiếu của Mỹ trong nhiều năm. Nó phản ánh dòng tiền đổ vào trái phiếu nhanh đến mức giá trái phiếu vọt lên quá mạnh, làm lợi suất trái phiếu giảm cực nhanh. Tiền Fed hy vọng chạy ra thị trường cổ phiếu và nền kinh tế lại quay lại tài sản an toàn là trái phiếu. Tình huống tương tự cũng đang diễn ra trên thị trường TPCP Việt Nam, dù ở mức độ ít hơn.
Nhìn chung tuần lễ từ 2 đến 6-3 không tệ như tuần lễ trước đó, nhưng cũng không thể gọi khả quan hơn. Nói cách khác, bệnh nhân thị trường tài chính Mỹ sau đi được cấp cứu, ít nhất tình huống đã không trở nặng, nhưng cũng không có dấu hiệu hồi phục. Và lượng “máu” Fed hy vọng hành động của mình sẽ đẩy về trái tim của nền kinh tế Mỹ - các doanh nghiệp đang cần tiền - nhưng đã không chảy về nơi họ muốn, mà chảy về TPCP.
Nhiều chuyên gia đã chỉ trích Fed “thất bại”, “lãng phí” dư địa chính sách, và nhiều thứ nữa. Nhưng họ quên rằng đã là cấp cứu chỉ có thể làm mọi thứ trong khả năng và xem thử nó có tác dụng gì không. Ít ra Fed đã thử cố gắng.
Liều thuốc tiếp theo?
Liều thuốc tiếp theo?
Chủ tịch Fed có thể đã nhận được tín hiệu từ giới doanh nghiệp rằng họ khó chống chọi tiếp nếu các thành viên thị trường mở liên bang (FOMC) không làm cái gì đó. |
Vỡ nợ là nguy cơ trước mắt. Nên đã đến lúc các gói cứu trợ từ ngân sách dưới dạng các chi tiêu hỗ trợ cho doanh nghiệp phải được cung cấp ra nền kinh tế. Đó là lý do nhiều ngân hàng trung ương đang kêu gọi các chính phủ cần chính sách tài khóa đồng bộ với chính sách tiền tệ. Bởi chính sách tiền tệ có vẻ đã gần chạm vào ngưỡng của nó với tác động không mấy khả quan của đợt cắt giảm lãi suất có tính “cấp cứu” của Fed.
Doanh nghiệp cần “tiền tươi”, cần các khoản tín dụng mới. Các ngân hàng trung ương có thể cắt lãi suất, bơm tiền qua thị trường mở để tạo thanh khoản cho các ngân hàng và thị trường tài chính. Nhưng tín dụng từ ngân hàng có chảy vào doanh nghiệp hay không lại là chuyện khác. Ngân hàng có thể thừa tiền, nhưng họ lại chọn “dự trữ thanh khoản”, tức đem tiền đi cất (vào trái phiếu chẳng hạn), không đưa ra cho vay.
Vì vậy, cần can thiệp từ phía tài khóa, nghĩa là trực tiếp giảm thuế, chi phí nộp bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất cho doanh nghiệp như một số nước đã làm. Hoặc trực tiếp chi tiền cho người dân bị ảnh hưởng dịch cúm như Hồng Kông và Nhật Bản đang làm.
Ở Việt Nam đặc thù là các ngân hàng thương mại đang tính toán xây dựng chương trình hỗ trợ, cung cấp gói tín dụng để đầu tư cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng giá trị 285.000 tỷ đồng. Điều đáng lo ngại ở đây là gói tín dụng này sẽ không chảy ra cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần vay, chỉ quay vòng trong một số khách hàng hiện hữu.