Tuy nhiên, trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH cho rằng, nới lỏng chính sách tiền tệ hiện nay chỉ mới mang tính kích thích, vì khả năng tiếp cận vốn có điều kiện của đa số DN đang rất yếu.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, NHNN đã có lần thứ 2 giảm lãi suất điều hành từ đầu năm, vậy tác động của sự điều chỉnh lần này có đạt mục tiêu kỳ vọng?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Thông thường, việc NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều lần sẽ có rủi ro về lạm phát, vì một lượng tiền sẽ đi vào trong lưu thông sẽ đẩy lạm phát lên. Nhưng tại thời điểm này, việc này không tác động đến lạm phát vì sức cầu của nền kinh tế yếu. Sức cầu yếu sẽ không tạo lực đẩy giá cả lên.
Đó là điều kiện thuận lợi cho NHNN giảm lãi suất điều hành, tiến tới giảm lãi suất cho vay đối với DN và người dân như kỳ vọng lâu nay. Tuy nhiên, trước tiên phải nhắc lại, việc giảm lãi suất điều hành khoảng 0,5% diễn ra trên thị trường 2 (thị trường liên NH) và để có tác động lên thị trường 1 (thị trường dân cư) cần có độ trễ, hơn nữa mức độ biến động lãi suất trên thị trường 1 cũng sẽ không mạnh như thị trường 2.
Bởi vì ở Việt Nam thị trường 1 và thị trường 2 không sự có liên thông chặt chẽ, các đợt giảm lãi suất điều hành vừa qua cũng chưa đẩy được lãi suất cho vay xuống thấp.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Thứ hai, vấn đề giảm lãi suất điều hành vừa rồi hướng đến mục tiêu hỗ trợ cho các DN vay vốn, tạo sức bật cho nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, những DN không thể vay được cũng đồng nghĩa với việc không nhận được hỗ trợ. Và trên thực tế đang có rất nhiều DN gặp khó khăn trong đại dịch, giảm lãi suất bao nhiêu đi nữa đối với họ cũng không có ý nghĩa.
Như vậy, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN nhằm thực hiện theo chỉ thị của Chính phủ, chính sách này có lẽ không có tác dụng nhiều trong lúc này, chỉ có tác động trong một chừng mực nào đó.
Thứ ba, trong điều kiện hiện nay, thật sự cũng không cần NHNN can thiệp, các NH cũng sẽ tự điều chỉnh theo nguyên tắc thị trường để giảm lãi vay. Vì lúc này, tăng trưởng tín dụng quý đầu năm chỉ bằng nửa năm ngoái. Cầu tín dụng vẫn lớn nhưng hoạt động tín dụng giảm, vì NH lo lắng vấn đề nợ xấu nên cân nhắc trong vấn đề cho vay mới. Khi hoạt động tín dụng giảm, một số NH lớn cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động đối với một vài kỳ hạn để giảm chi phí vốn và chủ động giảm lãi suất cho vay để đẩy vốn ra.
Đối với các NH khi gặp vấn đề về thanh khoản mới có nhu cầu sử dụng các công cụ tái cấp vốn, tái chiết khấu, thị trường mở, repo để vay vốn từ NHNN và các NH khác. Còn thanh khoản của các NH hiện tại rất tốt, vốn dồi dào nhưng họ lại khó cho vay ra. Vì vậy, giảm lãi suất điều hành chỉ mang tính chất danh nghĩa chứ các NH không khát vốn để dùng các công cụ tái chiết khấu, tái cấp vốn.
- Nếu giảm lãi suất điều hành chưa có tác động nhiều, vậy giải pháp nào để thực hiện mục tiêu đón thời cơ phục hồi kinh tế?
- Trên thế giới, sau khi giảm lãi suất điều hành, nhiều quốc gia đã tung ra các gói giải cứu. Bởi các công cụ của chính sách tiền tệ chỉ mang tính kích thích, còn các gói giải cứu nhằm bơm tiền vào nền kinh tế để DN có tiền tươi thóc thật để khởi động và phục hồi. Các chính sách tại Việt Nam chỉ mới dừng lại ở tính chất kích thích. Chủ yếu là NHNN dùng công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ thị trường.
Nhưng đây không phải là cách hiệu quả để vực lại nền kinh tế ngay thời điểm này. DN đang cần tiếp cận lượng tiền thật để trả tiền thuê mặt bằng, trả lương duy trì lực lượng lao động, trả tiền cho nhà cung cấp, trả nợ NH và các chi phí khác. Các NH giảm lãi suất nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng tín dụng, trong khi đa phần DN bị suy yếu trong dịch trở thành đối tượng dưới chuẩn cho vay. Do đó, nới lỏng chính sách tiền tệ lúc này không có nhiều ý nghĩa với DN.
Tính đến nay, Việt Nam có 3 gói hỗ trợ. Gói 300.000 tỷ đồng do các NHTM thực hiện nên họ chỉ hỗ trợ những khách hàng cốt lõi trước, vì vậy không phải DN nào cũng tiếp cận được. Gói 180.000 tỷ đồng chỉ để giảm, giãn thuế chứ không xóa nợ thuế cho các DN, cũng không phải tiền tươi thóc thật đến tay DN. Gói 62.000 tỷ đồng là gói an sinh xã hội dành cho người thất nghiệp, cũng không đến tay DN.
Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có gói hỗ trợ dành riêng cho DNNVV, nếu không cứu nhóm này, vấn đề phục hồi khó có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. Gói đó phải tiền tươi thóc thật, thông qua các cơ chế phù hợp để họ tiếp cận được. Sau khi DN có điều kiện để phục hồi, sức khỏe tốt lên, các cơ chế hỗ trợ từ chính sách tiền tệ của NHNN mới có thể thẩm thấu để DN có điều kiện phát triển mạnh lên.
- Sức khỏe DN lại trở thành rào cản tiếp cận vốn như đã nêu trên, ông dự báo như thế nào về tình hình tăng trưởng tín dụng năm nay?
- Đây là vấn đề khó dự đoán, điều này phụ thuộc vào diễn biến hồi phục của nền kinh tế từ đây cho đến cuối năm. Cho đến thời điểm hiện tại đã có 4 tuần không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nếu tình hình này được duy trì, khả năng mở cửa thị trường trong nước sẽ nhiều hơn nữa.
Đến cuối tháng 6, nếu dịch bệnh hoàn toàn được kiểm soát, Việt Nam có thể đi vào trạng thái mở cửa thị trường khoảng 90% (trừ một vài lĩnh vực như hàng không có thể chưa mở cửa hoàn toàn vì dịch bệnh các nước khác vẫn còn phức tạp).
Trong trường hợp đó, phần còn lại của cả năm sẽ dùng để hồi phục nền kinh tế, dĩ nhiên không thể có mức tăng trưởng như năm ngoái. Chính phủ cũng giảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay. Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với DN mới đây, chúng ta phấn đấu tăng trưởng kinh tế trên 5% trong năm 2020. Như vậy, tăng trưởng tín dụng cũng khó có thể 14% được.
- Xin cảm ơn ông.
Nếu trong trường hợp kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 6 và nền kinh tế đi vào hồi phục, tôi nghĩ tăng trưởng tín dụng đạt 10%, Còn nếu diễn biến theo ngược lại, tăng trưởng tín dụng sẽ xuống rất thấp, vì NH không dám cho vay. |