Chưa kể, giá niêm yết một đằng, nhiều đại lý xuất hóa đơn thấp hơn giá trị thực người tiêu dùng phải mua và bị phản ánh nghi vấn trốn thuế. Thay vì bị siết chặt quản lý, mức giá chênh cứ ngày một được nới rộng ra đến mức khó tin.
Khả năng thất thu thuế lớn
Trên thị trường, hàng loạt mẫu xe như Hyundai SantaFe, Creta, Ford Ranger và đặc biệt là các dòng Toyota như Raize, Veloz Cross... đang bị các đại lý bán chênh giá hoặc chơi chiêu bán kèm phụ kiện với giá hàng chục triệu đồng để nhanh chóng nhận được xe.
Tại đại lý Toyota H.V (quận 6, TP.HCM) chào bán rầm rộ tới khách hàng 3 mẫu xe vừa được Toyota tung ra thị trường như Veloz, Avanza, Altis 2022 kèm theo một số phụ kiện với giá 50 triệu đồng. Khi khách hàng hỏi mua xe không kèm phụ kiện, nhân viên tư vấn báo khách phải chờ thời gian 3-4 tháng mới có xe.
Qua ghi nhận tại nhiều đại lý ôtô, Hyundai Tucson phiên bản tiêu chuẩn được nhiều đại lý bán với giá 885 triệu đồng, cao hơn niêm yết 40 triệu đồng; phiên bản Turbo 1.6L đang được bán chênh 50 triệu đồng, kéo giá xe tại đại lý lên đến 1,1 tỉ đồng. Còn Tucson bản xăng và dầu đặc biệt còn chênh lên đến 60 - 70 triệu đồng.
Không chỉ ôtô, thị trường xe máy bị chênh giá rầm rộ hơn. Từ tháng 4 đến đầu tháng 5-2022, nhiều khách hàng phản ánh nhiều mẫu xe Honda đang bị đại lý "ăn" hai đầu.
Theo đó, nhiều mẫu xe máy hút khách đã bị các đại lý tăng giá bán so với giá đề xuất của nhà sản xuất, trong đó xe máy Honda bị kê giá nhiều nhất, lên hơn 10 triệu đồng/chiếc.
Website chính thức của hãng dao động 31,8 - 34,9 triệu đồng thì thực tế, đại lý báo giá 39 triệu đồng với bản tiêu chuẩn; các phiên bản cao cấp, đặc biệt và cá tính lần lượt có giá 40, 42 và 46 triệu đồng. Đã có nhiều khách hàng phản ảnh hóa đơn được đại lý xuất ra thấp hơn so với giá bán thực tế.
Ông Quốc Bình - quản trị viên mạng xã hội OFFB - dẫn chứng số liệu doanh số bán hàng của Honda Việt Nam trong tháng 3 với 180.000 xe máy các loại, với mẫu Vision chiếm gần 26% (tương đương trên 46.000 chiếc). Nếu tạm tính mỗi xe Vision được bán chênh 10 triệu đồng thì số tiền mà khách hàng bị "móc thêm" trong tháng qua hơn 460 tỉ đồng với chỉ riêng Honda Vision.
Như vậy, không chỉ bản thân khách hàng chịu thiệt mà ngay Nhà nước cũng bị thất thu thuế đáng kể khi lệ phí trước bạ vẫn được tính 2-5% giá trị xe do hãng đề xuất thay vì áp theo giá bán thực tế; thuế GTGT cũng tương tự. Số tiền chênh lệch do các đại lý tự đặt ra coi như không hề chịu một khoản thuế, phí nào.
Chưa có quy định cụ thể để xử lý
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho rằng hiện việc mua bán giữa công ty và các đại lý là mua đứt bán đoạn. Mức giá mà nhà sản xuất đưa ra là giá đề xuất, nên khó có cơ sở để xử lý do quyền quyết định giá là của các đại lý.
Luật bảo vệ người tiêu dùng cũng chưa có cơ sở để kiểm soát, xử lý với hành vi này, nên trong sửa đổi Luật bảo vệ người tiêu dùng tới đây, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu đưa ra quy định để quản lý với những trường hợp kinh doanh như trên nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Theo quy định hiện hành, các cơ quan quản lý có thể kiểm soát với hành vi này bằng thuế, phí và kiểm tra, kiểm soát việc kê khai giá, bán theo giá niêm yết.
Đại diện Honda Việt Nam giải thích các HEAD không phải là các đại lý của Honda lập nên mà là các nhà đối tác độc lập, chỉ được bán và trưng bày duy nhất các dòng xe, phụ tùng, phụ kiện do công ty cung cấp. Một mặt Honda đề xuất giá, song các HEAD có quyền chủ động đối với hoạt động bán hàng của mình bao gồm cả giá bán.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng cho hay ở châu Âu vẫn xảy ra sự chênh giá đề xuất với giá bán nhưng không có chuyện xuất hóa đơn giá một đằng thực tế một nẻo, bởi khi bị phát hiện quy định xử phạt rất nặng.
Đại diện Tổng cục quản lý thị trường: Hãy phản ánh nếu đại lý bán không đúng giá niêm yết Tình trạng các đại lý bán giá chênh lệch so với giá công bố của hãng không phải mới diễn ra. Trước đây, cơ quan quản lý thị trường đã vào cuộc kiểm tra, kiểm soát và xử lý với hành vi kê khai giá và bán theo giá niêm yết. Do đó, để kiểm tra, xử lý hành vi này cần phải có cơ sở, chứng cứ chứng minh cụ thể các đại lý có niêm yết giá và bán theo giá niêm yết hay không thì mới có căn cứ để xử lý. Người tiêu dùng có thể phản ánh đến cơ quan chức năng nếu đại lý không kê khai giá, không bán đúng giá niêm yết để có cơ sở xử lý. Nghi vấn tạo khan hiếm giả Là chủ cửa hàng nhiều năm kinh doanh xe máy cũ tại đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp, TP.HCM), ông Nguyễn Bằng đặt câu hỏi khi thị trường xe máy đang bão hòa, sức mua những tháng sau Tết thường yếu hẳn. Nếu thiếu linh kiện, nhiều mẫu cũng bị ảnh hưởng, cớ sao riêng mẫu Vision lại khan hiếm. Ông Bằng nghi vấn có thể nhà sản xuất tạo khan hiếm, tung số lượng nhỏ giọt nhằm đẩy giá lên cao. Điều này cần các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh để nếu có thì có giải pháp lành mạnh hóa thị trường. * TS Nguyễn Ngọc Tú (giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội): 20 năm rồi, nên thay cách tính thuế Tình trạng bán xe máy kê khai hai giá đã tồn tại cả 20 năm nay, không chỉ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước mà cả xe nhập khẩu. Ngành thuế biết được thực tế này. Vì từ năm 2009, Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu cục thuế các địa phương thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại các cửa hàng, đại lý bán xe máy trên địa bàn, đảm bảo thu thuế sát theo giá bán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy suốt nhiều năm qua cơ quan thuế có vẻ bó tay với tình trạng kê hai giá khi bán xe máy của các đại lý bán xe Honda. Ngân sách đã thất thoát một khoản không nhỏ, bởi khi khai thấp hơn giá bán thực tế, nhiều đại lý bán xe Honda đã giảm được doanh thu, lợi nhuận và tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng... phải nộp. Để ngăn chặn tình trạng này, có thể sửa cách tính thuế với xe máy sang thu thuế tuyệt đối thay vì theo tỉ lệ phần trăm. Đơn cử xe có giá 40 triệu đồng thì mức thuế phải nộp 3 hay 4 triệu đồng. Xe có giá 70 triệu đồng thì thuế là 8 triệu đồng... Với cách áp thuế tuyệt đối này, các đại lý xe Honda sẽ không lo chuyện kê khai sai giá bán nữa mà ngân sách cũng không bị thất thoát thuế. |