Hàng loạt dự án ách tắc
Theo đại diện CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, các thủ tục để thực hiện một dự án phải qua 5 bước, tiêu tốn mất 4-5 năm. Vì vậy, có nhiều dự án trong tình trạng đã được chính quyền đồng ý nhưng lại hồi tố, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.
Hàng loạt các dự án đang bị ngưng trệ, không cấp được sổ đỏ cho người dân vì vướng thủ tục. Nhiều chuyên gia kiến nghị đừng để doanh nghiệp địa ốc phải “chết chìm” vì chờ thủ tục. |
Điển hình ách tắc của dự án phải kể đến trường hợp CTCP BĐS Khải Thịnh. Doanh nghiệp này được giao 77.300m2 đất để làm khu dân cư và thương mại hỗn hợp ở quận 7, TPHCM. Nhưng trong dự án lại có 1.758m2 đất công, chiếm 2,2% diện tích nằm rải rác tại 5 thửa đất khác nhau. Phần đất công này gồm một ít diện tích thuộc đất rạch, một phần đất chờ thu hồi để mở đường giao thông và một phần diện tích đất lưu không. Theo quy định của Luật Đất đai và Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, đất công bắt buộc phải đưa ra đấu giá. Nhưng muốn đấu giá lại không được, vì diện tích không nằm chung để thành lập dự án.
Một trường hợp khác là Công ty TNHH MTV địa ốc Sài Gòn Nam Đô, với dự án chung cư kết hợp thương mại dịch vụ và văn phòng tại quận Bình Thạnh. Dự án được phê duyệt từ tháng 1-2015, và đã được nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016. Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa được phê duyệt hồ sơ nộp tiền sử dụng đất để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó mới có thể làm sổ hồng cho người mua nhà, với lý do vướng đất công nằm xen cài trong dự án.
Hay như dự án chung cư cao tầng An Bình, số 787 đường Lũy Bán Bích, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, được CTCP Địa ốc Sài Gòn hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 10-2012. Đến ngày 10-5-2018, UBND TPHCM mới có Quyết định 1937/QĐ-UBND về chuyển mục đích sử dụng đất của dự án. Nhưng cho đến nay sau 16 tháng, dự án vẫn chưa được tính tiền sử dụng đất để công ty thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.
Không thể mã “án binh, bất động”
Không thể mã “án binh, bất động”
Hiện tại, các doanh nghiệp BĐS còn gặp nhiều vướng mắc vì khâu thẩm định, tính tiền sử dụng đất. Hàng loạt các dự án đang bị ngưng trệ, không cấp được sổ cho người dân vì vướng thủ tục này. Thậm chí, có những dự án đất nền, sổ đã ra từng lô cho chủ đầu tư, nhưng thủ tục sang tên cho khách hàng vẫn kéo dài hàng năm, điển hình như dự án Gold Hill tại Đồng Nai.
Chờ rà soát, hàng trăm công trình nằm bất động trong ngổn ngang gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Đại diện một doanh nghiệp BĐS cho biết, thực tế nhiều dự án xây dựng xong nhưng không làm sổ đỏ cho người dân, nhiều dự án xây lên cao nhưng chưa thể bán vì chưa biết tiền sử dụng đất là bao nhiêu để tính đúng đầu ra, đầu vào. Có những doanh nghiệp xin tạm đóng tiền sử dụng đất cũng không được chấp nhận. Các dự án đang nằm “án binh bất động” để chờ rà soát, thanh tra dẫn đến nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, làm giảm cơ hội sở hữu nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị.
Theo đại diện Novaland, thị trường hiện nay huy động vốn thuận lợi nhưng khâu pháp lý rất chậm, khiến doanh nghiệp gặp rủi ro về tài chính, cùng với đó quy trình rà soát chậm làm mất cơ hội dẫn đến hoạt động kém hiệu quả.
Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên-Môi trường, Bộ Tư pháp và UBND TPHCM về việc giải quyết những ách tắc lớn nhất của doanh nghiệp và thị trường BĐS hiện nay. Theo HoREA, quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường bị sụt giảm, không có lợi cho người mua nhà và thị trường BĐS.
Hiện nay vốn đầu tư FDI đang tăng rất mạnh, nếu địa phương nào giải quyết được các ách tắc này sẽ có cơ hội thu hút đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Như vậy, làm sao đừng để doanh nghiệp địa ốc phải “chết chìm” vì chờ thủ tục đang là áp lực lớn đối với các cơ quan chính quyền hiện nay.
Kịp thời gỡ nút thắt, địa ốc TPHCM dự báo sẽ khởi sắc Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TPHCM chỉ có 3 dự án mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư, giảm 16 dự án so với nửa đầu năm 2018. Để tháo gỡ vướng mắc cho các chủ đầu tư, UBND TPHCM yêu cầu Sở Tài Nguyên-Môi trường phối hợp với các sở, ngành chức năng rà soát lại để đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục cho các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn. Vừa qua, TP đã cho phép 124 dự án, chiếm 78% trên tổng số hơn 150 dự án bị rà soát, được hoạt động trở lại bình thường, từ đó tạo nhiều hiệu ứng tích cực cho thị trường địa ốc những tháng cuối năm 2019 và trong năm 2020. |