TPHCM, những ngày giãn cách, trời đổ cơn mưa tầm tã.
Những mảnh đời bất hạnh, không nơi trú thân, run rẩy bên lề đường vắng bóng người qua lại. Một cụ già đội chiếc nón cũ ngồi cạnh cột đèn giao thông, đôi mắt thẫn thờ vì đói và mệt.
Từ trên xe máy, 2 tình nguyện viên của nhóm thiện nguyện "Sài Gòn Chợ Lạc Xoong" chạy lại biếu cụ phần quà gồm bánh mì, sữa, cá hộp và nhu yếu phẩm. Nhận được quà, mắt cụ sáng lên, rưng rưng lệ, miệng không ngừng nói lời cảm ơn.
Đó là một trong vô vàn hình ảnh khó quên trên hành trình hỗ trợ những mảnh đời cơ cực quanh thành phố của nhóm.
Ứng phó mùa dịch
Chia sẻ với PV Zing, anh Thế, quản lý nhóm, kể: "Khi TPHCM bước vào giai đoạn khó khăn vì Covid-19, nhóm mở rộng hỗ trợ anh chị em, gọi vui là 'tiểu thương', buôn bán mặt hàng, sản phẩm liên quan đến ăn uống. Mỗi khi bán được hàng, các 'tiểu thương' sẽ góp vào quỹ của Chợ. Số tiền này được quyên góp cho hoạt động xã hội, thiện nguyện, quỹ vaccine Chính phủ".
Khi dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng nhất ở TPHCM, "Sài Gòn Chợ Lạc Xoong" tập hợp một đội ngũ gần 20 thành viên có chung tinh thần thiện nguyện.
Giai đoạn đầu, nhóm lập 9 điểm tập trung để nhận đóng góp và phân phát hàng hóa, nhu yếu phẩm, hiện kim cho người nghèo, vô gia cư, người gặp khó khăn trong khu cách ly, công xưởng, xí nghiệp.
Giai đoạn sau, khi Chỉ thị 16 được áp dụng, nhóm tập hợp lại các phần quà và kết hợp với chính quyền phường, quận để phân phát tới những trường hợp khó khăn do địa phương quản lý. Bên cạnh đó, các tình nguyện viên sẽ đi phát dọc đường ở những nơi có nhiều người lang thang, vô gia cư với tiêu chí 5K, an toàn.
Các thành viên trong "Sài Gòn Chợ Lạc Xoong" khởi động ngày mới bằng việc tiếp nhận, phân loại rau củ, lương thực, nhu yếu phẩm, sau đó chia thành những phần riêng và liên hệ với bên liên quan để bàn giao hoặc trực tiếp đi phát.
Công việc của nhóm thường bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc lúc khuya muộn. Các tình nguyện viên làm việc không quản nắng mưa, phải ăn vội vàng trên đường, ngày chạy cả trăm cây số để phân phát quà cho những mảnh đời khó khăn.
"Mỗi ngày, cả đội phải nhận hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn, không phút ngơi nghỉ. Ai nấy đều rất căng thẳng và mệt mỏi. Nhưng nghĩ đến cảm giác áy náy và ân hận khi bỏ lỡ một trường hợp bần cùng, chúng tôi lại lấy máy lục lại những cuộc gọi đó", anh Thế chia sẻ.
Hành trình chưa có hồi kết
Anh Thế nhớ lại lần nhóm tình nguyện viên tới thăm nhà một cụ già neo đơn ở phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Cụ đã chắp tay lạy cả nhóm để cảm ơn. Điều này khiến những người chứng kiến xúc động mạnh và ám ảnh.
Có những cô chú lớn tuổi thậm chí đến điểm tập kết của nhóm để xin làm việc nhà, mong nhận lại chút rau củ bỏ đi.
Có những người bán vé số dạo ngoài đường, nay vì dịch bệnh mà mất thu nhập, được nhóm hỗ trợ nhu yếu phẩm.
Đặc biệt, những người lang thang, vô gia cư, không biết thông tin trên mạng xã hội hay liên lạc ai để xin giúp đỡ, cũng được các tình nguyện viên trao tận tay phần quà gồm bánh mì, sữa, đồ ăn liền.
Dù các tình nguyện viên đã hoạt động hết công suất để thu gom và phân phát hàng hóa, nhóm vẫn trăn trở vì chỉ có thể hỗ trợ một phần nhỏ trong hàng nghìn hoàn cảnh khó khăn mùa dịch.
Hơn nữa, nhóm hiểu rằng những phần quà chỉ là giải pháp tạm thời. Miễn là đại dịch còn kéo dài, người nghèo tại TPHCM vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
"Sức người cũng có hạn, lực bất tòng tâm, cánh tay dài mấy cũng không thể vươn đến hết những mảnh đời bất hạnh", anh Thế đau xót nói.
Sau tất cả, nụ cười và lời cảm ơn từ những hoàn cảnh cơ cực chính là động lực để "Sài Gòn Chợ Lạc Xoong" tiếp tục miệt mài làm công việc thiện nguyện.
"Dù đại dịch có thể chưa chấm dứt hẳn nhưng những khó khăn nhất thời như cơm áo gạo tiền sẽ vơi bớt phần nào. Thấy tin nhắn cảm ơn, động viên cùng những nụ cười khi nhận được 'con cá' tạm thời chứ chưa phải là 'cần câu', cả nhóm động viên nhau sẽ cố gắng trong khả năng, sức lực của mình", anh Thế chia sẻ.