Trong 6 tháng đầu năm, ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc. Chỉ số sản xuất của ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục tăng 9,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%.
Thời điểm này, mặc dù nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may liên tục nhận đơn hàng mới, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nguy cơ thiếu hụt lao động và chậm tiến độ giao trả hàng, ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm. Để kịp trả đơn hàng cho đối tác, nhiều DN dệt may đang phải chạy hết công suất, đồng thời đảm bảo an toàn phòng dịch cho người lao động.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Công ty May Hưng Yên cho biết, DN liên tục nhận đơn hàng từ châu Âu, Mỹ… Nhưng, để ổn định sản xuất, đẩy nhanh tiến độ giao hàng, người lao động cần được tiêm vaccine phòng Covid-19. “Nếu có thể nhanh chóng tiêm vaccine cho người lao động thì ngành dệt may có thể tạo đà phát triển và bứt phá”, ông Dương mong muốn.
Trong bối cảnh hiện nay, tuyển dụng đủ lao động và người lao động được tiêm vaccine sẽ tạo điều kiện tốt cho DN yên tâm sản xuất, kịp thời giao hàng, trả hàng trong thời gian đến cuối năm. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của hàng dệt may Việt Nam hiện nay mà cũng tạo nguồn lợi nhuận, tạo tiền đề cho sự bứt phá trở lại những năm tới.
Đánh giá những thuận lợi và khó khăn của ngành, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, ngành dệt may thời gian qua có sự phục hồi mạnh mẽ. Hầu hết các doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng, đến quý III và hết năm. “Từ nay đến cuối năm, về cơ bản các DN dệt may sẽ không phải lo việc thiếu hụt và không có đơn hàng. Cùng với đó, các Hiệp định thương mại tự do sẽ thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang châu Âu. Tuy nhiên, vấn đề dịch Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng lớn tới các DN", ông Vũ Đức Giang phân tích.
Hiện nay, để kịp trả đơn hàng cho đối tác, nhiều DN dệt may đang phải chạy hết công suất. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay, đơn vị vừa phải lo sản xuất kinh doanh, vừa phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, với mục tiêu không để dịch Covid-19 xuất hiện ở DN và không để ai bị bỏ lại phía sau. “Thời gian này May 10 đang nâng công suất và cơ cấu lại các nhóm, ca làm việc để tăng năng suất lao động... kịp trả hàng cho đối tác theo hợp đồng, tránh chuyện bị phạt vì chậm giao hàng”, ông Việt cho biết.
Ngành dệt may 6 tháng đầu năm ghi nhận những phục hồi tích cực của tổng cầu trên thị trường thế giới. Cầu tăng đã làm cho lưu lượng giao dịch hàng hoá dệt may tăng cao, đem lại nguồn đơn hàng dài, số lượng lớn cho phần lớn doanh nghiệp sau 1 năm thiếu hụt nặng nề.
Sự phục hồi của xuất khẩu dệt may ngoài yếu tố cầu, còn có cả yếu tố dịch chuyển cung. Nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia bị dịch bệnh hoành hành trên quy mô lớn, DN không thể hoạt động. Trong khi đó ở Việt Nam đến hết tháng 4/2021, tình hình kiểm soát dịch bệnh khá tốt, DN có thể phát huy hết tốc lực cho sản xuất.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) phân tích, ước tính hiệu quả của 6 tháng đầu năm về cơ bản có thể bù đắp được toàn bộ phần thiệt hại của 2 năm 2019, 2020. “Kết quả đạt được phần lớn do sự phục hồi sớm của thị trường và sự thiếu hụt nguồn cung từ các quốc gia cạnh tranh, dẫn tới Việt Nam có được lợi thế trong ngắn hạn về nguồn hàng, là điểm đến an toàn gần như duy nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Trường đánh giá.
Bên cạnh đó, ông Trường cũng chỉ ra rằng, mô hình kinh doanh của các DN sau 1 năm dịch bệnh dù đã có sự linh hoạt cao hơn, chủ động hơn nhưng vẫn phần lớn vẫn gói gọn trong mô thức cũ, khách hàng cũ, phương thức tiếp cận chưa có đổi mới căn bản.
Nhận định về thị trường dệt may trong thời gian tới, ông Trường cho rằng, thị trường Mỹ vẫn đang là thị trường quan trọng nhất của ngành may, với tốc độ tăng trưởng gần 30% trong 6 tháng đầu năm, ghi nhận mức tăng cao nhất sau 14 năm qua kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Với Trung Quốc, 6 tháng qua thị trường này đã vươn lên nằm trong “top 3” các nước nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam, trong đó chủ yếu là của ngành sợi. “Sự nhạy cảm trong chính sách và nhu cầu của Trung Quốc với ngành sợi Việt Nam đã trở nên rất cao, mang tính ảnh hưởng trọng yếu đến hiệu quả của ngành”, ông Trường nhận định.
Theo Bộ Công Thương, các mặt hàng may mặc trong 6 tháng cuối năm là hàng Thu Đông và sẽ có giá trị cao hơn. Do đó, dự báo xuất khẩu dệt may năm 2021 có thể tăng khoảng 10% so với năm 2020, tương đương 39 tỷ USD và dệt may Việt Nam có thể quay lại mức xuất khẩu của năm 2019, sớm hơn khoảng 1 năm so với dự báo trước đây.