Sử dụng hết dư địa hiện có
Nằm sau những chỉ số đầy ấn tượng này là con số về chi đầu tư phát triển ở mức 133.900 tỷ đồng, chỉ bằng 28,1% dự toán ngân sách năm. Chi đầu tư phát triển thấp là nguyên nhân khiến tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng chỉ bằng 41,2% dự toán năm, ước tính đạt 775.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm tình hình dịch bệnh vẫn hoành hành ở cả 3 miền, tổng thu đã bằng 57,7% dự toán năm. Thu vượt dự toán và chi tiêu về đầu tư phát triển chậm chạp, khiến bội thu ngân sách lên tới 81.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Đây thực sự là nghịch lý trong bối cảnh nền kinh tế rất cần những nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng, kích thích phát triển kinh tế. Nó càng cho thấy tính cấp bách nếu đặt trong bối cảnh tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển chỉ chiếm xấp xỉ 25% tổng chi ngân sách. Tỷ trọng đã thấp, tỷ lệ giải ngân và chi tiêu lại chậm, hiển nhiên không thể hỗ trợ tốt nhất cho phát triển kinh tế và tạo dựng những cơ sở nền tảng cho phát triển trong những năm tiếp theo.
Những tháng đầu năm chi đầu tư phát triển thường chậm do các bộ, ngành, địa phương đang trong quá trình triển khai phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu tư, đồng thời do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán. Nhưng đã đến hết quý II, mức độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm quả thực rất đáng lo ngại.
Theo tính toán của Economica Vietnam, nếu như chi đầu tư phát triển trong 6 tháng đầu năm đạt đúng tiến độ như dự toán, chắc hẳn có thêm khoảng 105.000 tỷ đồng (xấp xỉ 4,4 tỷ USD) đã được bơm vào nền kinh tế và GDP của 6 tháng đầu năm không dừng ở con số 5,64%. Đáng chú ý, 4,4 tỷ USD này được đưa vào nền kinh tế không tạo bất kỳ ảnh hưởng nào về sức ép đối với nền tài chính công hay các rủi ro đến chính sách tài khóa. Và với số vốn được giải ngân này, các khối lượng công trình, cơ sở hạ tầng thiết yếu có giá trị tương đương đã được hình thành, có thể đã được hoặc sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Rõ ràng, trước khi bàn đến những gói kích cầu hay gói kích thích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phải tính đến việc đi kèm theo nó là nhiều rủi ro tiềm tàng về tài chính công. Điều này đòi hỏi phải rà soát những dư địa hiện có, tận dụng triệt để, hiệu quả nhất những dư địa đó. Đẩy mạnh tiến độ chi đầu tư phát triển là dư địa rõ ràng nhất, khả thi nhất, ít rủi ro nhất từ góc độ chính sách tài khóa, để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, tạo nền móng vững chắc hơn cho phát triển kinh tế trong những năm tới.
Thay đổi tư duy về các gói hỗ trợ
Ngay trong tuần đầu của tháng 7, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng đã được công bố. Đây là gói hỗ trợ kịp thời, hết sức cần thiết đối với người lao động bị ảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Đặc biệt, mức tăng mạnh về thu ngân sách và với số tiền không giải ngân hết từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng năm 2020, đặt ra vấn đề cần tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động ở mức cao hơn, với phạm vi đối tượng hưởng lợi rộng hơn.
Bất luận quy mô hay số lượng của các gói hỗ trợ như thế nào, thực tiễn đặt ra yêu cầu phải sử dụng nguồn lực khan hiếm này hiệu quả nhất cả về phương diện xã hội và kinh tế. Cần có sự thay đổi về tư duy đối với các gói hỗ trợ và về cách triển khai thực hiện các gói hỗ trợ.
Các gói hỗ trợ không chỉ giúp người lao động, còn có ý nghĩa kích thích tiêu dùng, kích thích phát triển kinh tế và gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng, cung cấp dịch vụ cơ bản cho người lao động. Với tư duy về lợi ích kép này, các bộ, ngành, địa phương sẽ mạnh mẽ hơn trong các quyết định mở hầu bao nhằm nâng cao mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ, bao gồm cả người lao động có thu nhập thấp, hoặc các đối tượng đang nhận bảo trợ xã hội. Ở đây đặt ra vấn đề tiền hỗ trợ đến được các đối tượng thụ hưởng nhanh hay chậm phụ thuộc vào cơ chế giải ngân và công tác chuẩn bị của các đơn vị giải ngân.
Thực tế cho thấy, với quy định như hiện tại, nhiều địa phương, đặc biệt các nơi đang gặp nhiều khó khăn về cân đối ngân sách, sẽ phải hoàn tất nhiều thủ tục để có nguồn tiền chi cho nhóm lao động tự do. Ngoại trừ một số địa phương đã có sự chuẩn bị tương đối kỹ như TPHCM, việc hoàn tất thủ tục để hình hành nguồn chi, lập danh sách đối tượng thụ hưởng sẽ mất nhiều thời gian đối với nhiều địa phương khác.
Đối với hoạt động cho doanh nghiệp vay trả lương người lao động, dù thủ tục sẽ được tối giản, rủi ro nợ xấu khi cho vay các doanh nghiệp đang sa thải hoặc cho lao động tạm ngừng việc, sẽ do ai gánh chịu? Từ góc độ ngân hàng, doanh nghiệp đang sa thải lao động nằm trong nhóm có rủi ro tín dụng cao. Liệu Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ hoàn toàn yên tâm về trách nhiệm pháp lý trước rủi ro nợ xấu khi giải ngân cho các doangh nghiệp đang gặp khó khăn này?
Những cải cách về thủ tục hành chính đối với việc giải ngân gói 26.000 tỷ đồng thực sự đáng được ghi nhận. Nhưng còn nhiều dư địa để thực hiện nhiều cải cách hơn nữa. Đây là lúc cơ sở dữ liệu dân cư phát huy tác dụng với các giá trị gia tăng về dịch vụ công. Đây cũng là lúc các ngân hàng, nhà mạng viễn thông thể hiện trách nhiệm xã hội và phải vào cuộc để mở rộng chi trả cho các đối tượng thụ hưởng qua tài khoản ngân hàng, tài khoản ATM, qua mobile money, mở rộng việc sản phẩm tài chính, ngân hàng cho người nghèo.
Hỗ trợ không chỉ cho đi. Nền kinh tế sẽ nhận lại được rất nhiều từ các gói hỗ trợ này nếu nó được thực hiện đúng và hiệu quả. |