Thế nhưng, mới đây khi còn là Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo xin lùi thời gian hoàn thành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên tới 2028. Người dân TPHCM đã thực sự trải qua không ít cảm xúc từ hồi hộp đến lo lắng, và không biết còn phải chờ đợi metro đến bao giờ?
Cuối tháng 8 vừa qua, lễ chạy thử đoàn tàu metro đầu tiên đã được Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM tiến hành tại depot Long Bình. Đoàn tàu metro đã vận hành trên hệ thống ray có độ dài khoảng 300m, cho thấy hệ thống điều hòa, thông tin liên lạc, màn hình hoạt động trơn tru. Đồng thời 17 đoàn tàu phục vụ tuyến metro số 1 cũng đã được đưa từ Nhật Bản về Việt Nam. Mỗi đoàn tàu gồm 3 toa dài 61,5m, có thể chở 930 khách, trong đó 147 khách ngồi và 783 khách đứng, với tốc độ tối đa thiết kế 110km/h (đoạn trên cao) và 80km/h (đoạn hầm). Thế nhưng, chạy thử là một chuyện, còn chạy thật vẫn phải mong ngóng thêm thời gian nữa.
Vì sao người dân TPHCM vẫn phải phập phồng với dự án metro như vậy? Hồi tháng 7, trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư về quá trình thực hiện Nghị quyết 53/2005 và Kết luận số 27/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến 2020 của TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã bày tỏ ái ngại cho khả năng chậm tiến độ của dự án metro: “Việc phát triển hệ thống metro cần có cách tiếp cận khác, vì nếu làm theo từng tuyến mà làm rời rạc như thế, đến năm 2045 cũng chưa xong”.
Sự băn khoăn của ông Phan Văn Mãi hoàn toàn có lý. Bởi lẽ, dự án metro đã được phác thảo khá hoành tráng, ngoài tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có chiều dài 20km, còn có nhiều tuyến metro khác như Bến Thành - Tham Lương hơn 11km, Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới 9km, Tham Lương - Bến xe Tây Ninh 9km, Bến xe Tây Ninh - Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi 28km, Bến Thành - Tân Kiên 19,8 km, Ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước 12km, Thạnh Xuân - khu đô thị Hiệp Phước 36,2km, Công viên Gia Định - Lăng Cha Cả 3,2km, Bà Quẹo - Vòng xoay Phú Lâm 6,8km... Nếu tất cả tuyến metro ấy trở thành hiện thực quả là bức tranh tuyệt mỹ cho nhịp sống tại TPHCM.
Câu hỏi đặt ra, hệ thống metro có phải giấc mơ mỏi mòn của người dân TPHCM? Năm 2006, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức được khởi động, do Cục Đường sắt Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Công ty Tedi South được giao lập dự án. Trên cơ sở kết quả thẩm định thiết kế cơ sở, tháng 4-2007 UBND TPHCM phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 17.388 tỷ đồng. Đến năm 2009, tổng mức đầu tư dự án được đơn vị tư vấn NJPT của Nhật Bản cập nhật, tính toán lại lên khoảng 47.325 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TPHCM. Việc điều chỉnh vốn tăng cao khiến tiến độ tuyến metro này gặp nhiều khó khăn và phải đến ngày 28-8-2012 dự án mới được khởi công xây dựng.
Tuyến metro số 1 đem lại hào hứng và cũng đem lại hụt hẫng cho người dân, vì đã vấp phải nhiều vướng mắc về tiến độ và đội vốn. Tuyến metro ban đầu dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2017, đưa vào vận hành khai thác năm 2018. Thế nhưng, dự án tiếp tục phải lùi thời gian hoàn thành vào cuối năm 2019, đầu năm 2020 rồi lại lùi thời gian hoàn thành đến cuối năm 2021 và lùi tiếp đến cuối năm 2023, nay dự kiến đến 2028. Bên cạnh yếu tố đại dịch Covid-19, có một số nguyên nhân gây chậm trễ có thể kể ra như chậm giải ngân vốn, gặp sự cố kỹ thuật, khó khăn nhân sự.
Giữa những khó khăn bủa vây tiến độ metro số 1 có thể nhìn cận cảnh vài điểm nghẽn. Gói thầu 1B ngầm dưới đất đã hoàn thành hơn 90% nhưng vẫn chưa kết nối được nguồn điện riêng. Dự án có các gói thầu thi công riêng biệt nên quá trình kết nối đồng bộ cũng cần nhiều thời gian, ngay cả khi mọi thứ không có gì sai lệch. Sau nguồn điện của gói thầu 1B, cơ quan quản lý lại đắn đo sự phối hợp gói thầu 1A để chạy quạt đường hầm và các phần điều khiển trung tâm. Còn gói thầu số 2 đoạn trên cao, đường tàu và nhà ga đã làm xong, nhưng 9 cây cầu bộ hành nối xuống đất cho người dân tiếp cận nhà ga vẫn chỉ là mấy trụ bê tông trơ trọi, đang chờ phê duyệt thiết kế mới có thể thi công. Thậm chí, có chỗ vẫn đang là nhà dân sinh sống, chưa có mặt bằng xây dựng.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là tuyến tàu điện đầu tiên trong cả nước nên cũng có rất nhiều thử thách, việc thử nghiệm có thể mất nhiều thời gian hơn. Hiện toàn bộ tiến độ của tuyến đã đạt trên 90%. Vài phần trăm tiến độ còn lại là phần thử nghiệm, đánh giá, nghiệm thu, nhưng đây là phần mấu chốt. Chỉ một chi tiết không đạt là ảnh hưởng đến toàn bộ tiến độ. Các cơ quan ban ngành liên quan đã nhìn thấy rõ điều này. Tất cả đều đang nỗ lực để dự án đảm bảo tiến độ.
Người dân sau 1 thập niên nôn nao chờ đợi, đều hiểu tuyến metro số 1 Bến Thành -Suối Tiên liên quan đến nhiều lĩnh vực, triển khai đầu tiên tại Việt Nam, thực hiện các quy định hợp đồng nước ngoài và trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh các quy định pháp luật Việt Nam. Do đó, cần phải rà soát thận trọng các bước thực hiện, đảm bảo việc tuân thủ các quy định trong nước, quy định điều ước quốc tế và thỏa thuận vay vốn. Tuy nhiên, nếu không có quyết tâm cao và giải pháp mạnh, hình ảnh tàu điện bỗng dưng ám ảnh tâm lý cộng đồng, như nỗi nghẹn ngào khó lý giải.
Tính đến cuối tháng 10, khu vực trung tâm TPHCM đã xuất hiện công trường nhà ga trung tâm của tuyến metro số 1. Những tấm rào chắn công trình đã được dỡ bỏ và đoạn đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ cũng đã tái lập mặt đường. Vì vậy, người dân TP đang đếm từng ngày để thấy tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên không còn lỗi hẹn. Bởi lẽ, khi và chỉ khi tuyến metro này vận hành trơn tru, những tuyến metro còn lại mới có hy vọng tiếp nối hình thành, nhằm phá vỡ sự bế tắc đi lại chen chúc ngột ngạt ở đô thị đông đúc nhất cả nước. Hãy nhớ rằng, ở bất kỳ đô thị lớn nào trên hành tinh này, metro đều là giải pháp chủ lực để tìm đáp án cho bài toán giao thông công cộng.