Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Hà Công Tuấn trình bày, Thủ tướng đã phê duyệt phương án tổng thể đối với 56 công ty nông, lâm nghiệp theo 6 mô hình sắp xếp, như: chuyển thành công ty cổ phần, chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên, chuyển thành ban quản lý rừng, hoặc giải thể…
Tuy nhiên, đến nay mới có 160 công ty hoàn thành sắp xếp, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, đạt 62,5%. Bộ NN-PTNT đánh giá, việc sắp xếp, chuyển đổi mô hình của các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp) hiện nay còn chậm, gặp rất nhiều khó khăn.
Mục tiêu đề ra là sẽ tập trung hoàn thành sắp xếp đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW; phấn đấu hoàn thành việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2020.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: VGP
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gợi mở: Ngoài các hình thức sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW và nghị định của Chính phủ thì các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét hình thức cho phá sản các công ty nông, lâm nghiệp làm ăn kém hiệu quả.
Việc giải thể đối với các công ty nông, lâm nghiệp cần phải có hình thức tài chính đặc thù. Đối với hình thức công ty TNHH 2 thành viên thì cần sớm xây dựng cơ sở pháp lý, khuôn khổ luật pháp để các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả.
Phó Thủ tướng nhất trí với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cơ bản sắp xếp xong các công ty nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp chỉ là giai đoạn đầu, điều quan trọng là cần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP
Bộ NN-PTNT cũng đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù để có thể hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới như: bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, cơ chế chuyển công ty nông, lâm nghiệp thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, nhất là vấn đề tỷ lệ vốn nhà nước, nhà đầu tư chiến lược.
Do công ty nông, lâm nghiệp là doanh nghiệp đặc thù, quản lý diện tích đất lớn nên việc thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên theo quy định của Luật Doanh nghiệp cần có hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là hướng dẫn về định giá tài sản góp vốn, tiêu chí, tỷ lệ vốn góp để gắn quản lý nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, đời sống của người lao động được hài hòa; có cơ chế xử lý tiền thuê đất, thuế của các công ty nông, lâm nghiệp còn tồn đọng do thay đổi cơ chế chính sách về đất đai khi chưa ký hợp đồng thuê đất, nhất là đối với các công ty lâm nghiệp.
Đồng thời, Bộ NN-PTNT đề nghị chưa bàn giao vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đối với các công ty nông, lâm nghiệp thuộc địa phương để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành được thông suốt gắn với quản lý đất đai, rừng.