Trải qua những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 từ năm ngoái đến nay, các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn việc các cơ quan, bộ ngành chức năng tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp khi xây dựng, ban hành các quy định liên quan tới sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.
Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng qua là 85.500 doanh nghiệp bao gồm tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ những khó khăn chưa từng có, ngoài nỗ lực từ doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ từ chính sách để tận dụng được cơ hội, vượt qua khó khăn và phục hồi sau dịch.
Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Phó ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp khi xây dựng, ban hành các quy định liên quan tới sản xuất kinh doanh, đảm bảo không tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
“Cần nhanh chóng xây dựng và hướng dẫn áp dụng các mô hình sản xuất an toàn với Covid-19, dựa trên việc tham vấn các chuyên gia và doanh nghiệp để xây dựng các điều kiện, quy trình khả thi và phù hợp cho từng ngành nghề sản xuất kinh doanh và quy mô của doanh nghiệp”, ông Thạch nói.
Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, doanh nghiệp cần quan tâm đến câu chuyện quản trị rủi ro ngay từ lúc này. Dẫn kết quả một khảo sát gần đây của Deloitte cho thấy, ở Việt Nam chỉ một số ít các doanh nghiệp đã có quản trị rủi ro, còn đa phần mới chỉ tự phát và dựa vào kinh nghiệm, chưa có một khung quản trị rủi ro chuẩn mực. Đây chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bị bối rối, lúng túng khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Bà Hà Thu Thanh nêu quan điểm, cần xây dựng khung pháp lý khủng hoảng, lập kế hoạch kinh doanh liên tục. Cùng với đó là tăng cường áp dụng công nghệ trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Doanh nghiệp phải có một đội ngũ ứng phó, một kế hoạch ứng phó để quản lý khủng hoảng và có phân quyền kiểm soát một cách nhanh chóng kịp thời nhưng cũng đầy chiến lược. Toàn bộ sự vận hành của doanh nghiệp phải được ứng phó đáp ứng được trong ngắn hạn, nhưng cũng phải nghĩ đến kế hoạch trung hạn và dài hạn, đó mới là ứng phó để có cơ hội phục hồi và phát triển, không chỉ lo ứng phó xong rồi lại chờ đến khi qua dịch mới lại bắt đầu bình thường mới thì sẽ không ổn”, bà Thanh lưu ý.