Cho vay tiêu dùng cũng là giải pháp để kích cầu

(ĐTTCO) - Tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam thời gian qua phát triển khá nhanh và được đánh giá còn nhiều tiềm năng, vì giới trẻ có nhu cầu vay ngày càng nhiều.

Các chuyên gia tài chính nhận định, đây là thị trường mà các ngân hàng thương mại và công ty tài chính hướng đến để hỗ trợ kích cầu trong bối cảnh sức mua trầm lắng hiện nay.

Chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, tín dụng 4 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng khá thấp, chỉ đạt 3,04%. Nhằm kích cầu tiêu dùng, đẩy vốn ra nền kinh tế, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã tung ra các gói tín dụng cho vay tiêu dùng với lãi suất hợp lý. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng, được đánh giá như là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Người bán hàng giới thiệu sản phẩm đồ gia dụng mới cho người tiêu dùng tại AEon Mall Tân Phú (TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Người bán hàng giới thiệu sản phẩm đồ gia dụng mới cho người tiêu dùng tại AEon Mall Tân Phú (TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cụ thể, SeABank có chương trình cho vay tiêu dùng mua nhà, mua ô tô với lãi suất ưu đãi từ 9,29%/năm. Vietcombank hợp tác với Công ty Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam triển khai chương trình cho vay mua xe với lãi suất từ 0%-9,5%/năm. VPBank kết hợp Mitsubishi Motor Vietnam triển khai cho vay mua xe lãi suất ưu đãi 8,8%/năm với thời gian duyệt vay nhanh chóng.

Sacombank cũng có gói cho vay mua xe lãi suất 8,5%/năm và vay đến 100% giá trị xe, thời gian vay kéo dài đến 10 năm; đồng thời dành 5.000 tỷ đồng cho vay mua, xây mới hoặc sửa chữa nhà với mức lãi suất chỉ từ 10,68%/năm và được vay tối đa đến 30 năm…

Trong khi đó, với gói tín dụng ưu đãi 13.500 tỷ đồng, lãi suất giảm tới 4% so với lãi thông thường, ngoài cho vay hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, PVcomBank tập trung cho cá nhân vay mua nhà để ở, trong đó ưu tiên cho vay tại những dự án chung cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở xã hội, nhà cho công nhân. Để thực hiện gói vay hiệu quả, PVcomBank đã hợp tác với các chủ đầu tư về nhà ở xã hội trên toàn quốc tư vấn giải pháp tài chính phù hợp của người vay.

Tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng (chiếm khoảng 7% GDP Việt Nam). Riêng tại TPHCM, NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, tổng dư nợ tiêu dùng hiện đạt hơn 933.000 tỷ đồng, trong đó khối các công ty tài chính chiếm khoảng 104.000 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm, tăng trưởng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt khoảng 36%.

“Nếu tính dân số TPHCM khoảng 9,2 triệu người, bình quân một người dân tiếp cận khoảng 102 triệu đồng. Xét về mức chi tiêu trong đời sống xã hội thì con số này rất thiết thực”, đại diện NHNN chi nhánh TPHCM cho biết.

Phát triển cho vay qua công ty tài chính

Không chỉ vay tiêu dùng qua ngân hàng, cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính đã giúp đáp ứng nhiều nhu cầu vốn của một bộ phận lớn người dân, đặc biệt là đối tượng không tiếp cận được vốn tín dụng từ ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian qua, kinh tế khó khăn, nhiều người mất việc cần tiền phải đi vay để chi tiêu với lãi suất tín dụng tiêu dùng trên thị trường rất cao.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam quy định lãi suất cho vay tiêu dùng trên 20% là không hợp pháp, nhưng trên thực tế tình trạng này vẫn diễn ra. Hiện nhiều công ty tài chính cho vay lãi suất lên đến hơn 20%-30%/năm. Thậm chí, các tiệm cầm đồ, tín dụng “đen” còn tính lãi suất lên đến vài trăm %. Nhiều trường hợp vướng vào tín dụng “đen” không thoát ra được.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TPHCM, cho biết, hiện có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép, hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng. Trong khi đó, cửa hàng cầm đồ, các ứng dụng (app) cho vay không được cấp phép rất nhiều, khiến người dân ngộ nhận. Thậm chí, nhiều công ty tài chính chính thống cũng bị đánh đồng với tín dụng “đen”.

Đại diện FE Credit cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung, cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng chẳng mấy thuận lợi, thậm chí nhóm khách hàng “bùng nợ” ngày càng nhiều.

Theo số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TPHCM, giai đoạn 2016-2022, các công ty tài chính phát triển rất tốt, tăng trưởng 19%-20%, chiếm 14%-15% tổng dư nợ, cao hơn tăng trưởng chung. Tuy nhiên, hoạt động cho vay và thu hồi nợ quý 1-2023 của công ty tài chính tăng trưởng thấp vì khách vay chây ỳ trả nợ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, để thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng trở lại, hạn chế tín dụng “đen”, cần tăng cường giải pháp tuyên truyền tránh để khách hàng ngộ nhận công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp là công ty trái pháp luật. Song song đó, các công ty tài chính nên tiếp tục mở rộng mạng lưới, nhất là ở các khu chế xuất - khu công nghiệp, tạo điều kiện cho công nhân vay khi có nhu cầu; các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến.

Tuy nhiên, phải cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng thuận lợi để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp pháp.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM: Hoạt động đòi nợ phải chuyên nghiệp và có đạo đức

Quyền tiếp cận tài chính tiêu dùng của người yếu thế trong xã hội là rất cần thiết. Về lãi suất, trong trường hợp các bên có thỏa thuận thì lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp có quy định khác.

Người đi vay tiêu dùng ngoài quan tâm đến lãi suất cũng phải quan tâm đến phương thức tính lãi suất. Bởi lẽ, bên cho vay quy định lãi suất không vượt quá 20%/năm, nhưng nếu tính thêm các khoản phí khác thì lãi suất thực sẽ cao hơn rất nhiều. Đối với việc đòi nợ, không được dùng những phương thức đòi nợ trái pháp luật. Khi công ty tài chính bán nợ cho một công ty khác để thu hồi nợ, phải bảo đảm đơn vị đòi nợ hoạt động chuyên nghiệp và có đạo đức.

Các tin khác