Chọn lọc dòng vốn vào thị trường

(ĐTTCO) - Sau làn sóng rút vốn lớn tại các TTCK trong năm 2018, việc dự báo về dòng vốn vào TTCK năm 2019 được giới đầu tư hết sức quan tâm. ĐTTC trích đăng bài viết phân tích về dự báo dòng vốn trên TTCK trong năm 2019 của CTCK Rồng Việt (VDSC).  
Việt Nam là quốc gia nổi bật
Tại Việt Nam, trong năm 2018 dù khối ngoại vẫn bơm ròng gần 43.000 tỷ đồng vào TTCK, nhưng phần lớn số tiền này chỉ đổ vào một số thương vụ lớn như của NVL (3.500 tỷ đồng), VHM (28.500 tỷ đồng) và MSN (10.000 tỷ đồng). Qua phương thức khớp lệnh, NĐTNN bán ròng xuyên suốt cả năm với giá trị đạt 16.000 tỷ đồng.
Điều này phần nào lý giải diễn biến kém tích cực của thị trường chung do chính sách thắt chặt tiền tệ diễn ra trên toàn cầu. Tâm lý sợ rủi ro đã khiến NĐT rút vốn khỏi các thị trường mới nổi để quay về những thị trường phát triển. 
Thông báo gần đây từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về việc sẽ tăng lãi suất trong năm 2019 2 lần và phản ứng của thị trường, khiến chúng tôi tin rằng lãi suất khó có thể tăng mạnh.  Lãi suất trái phiếu tại Mỹ, Nhật Bản và Đức đều đã giảm mạnh trong vài tháng qua. Rất khó để lãi suất dài hạn tăng mạnh, ít nhất trong những tháng đầu năm 2019 khi số việc làm mới tại Mỹ khả năng đã tạo đỉnh. Điều này có thể giúp cải thiện tâm lý của thị trường. Dòng vốn có thể sẽ trở lại một cách có chọn lọc vào các TTCK. 
Đặt lên bàn cân, Việt Nam vẫn là quốc gia nổi bật với tăng trưởng GDP cao và dân số vàng. Tuy nhiên, điều này sẽ cần nhiều thời gian vì NĐT cần hồi phục sau một năm 2018 bão tố. Vẫn sẽ có các dòng vốn chủ động đổ vào Việt Nam, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để dòng vốn quay trở lại các thị trường mới nổi. 
Chọn lọc dòng vốn vào thị trường ảnh 1 Ảnh minh họa: LONG THANH 
Kỳ vọng nâng hạng
Một yếu tố thu hút vốn ngoại vào TTCK Việt Nam là việc nâng hạng thị trường bởi FTSE Russell. 3 thị trường Kuwait, China A share và Ảrập Saudi đã được thêm vào danh sách theo dõi của FTSE ngay cả khi vẫn chưa thỏa mãn đầy đủ các chỉ tiêu, và sau đó được FTSE thông báo nâng hạng ngay khi đáp ứng được những tiêu chí vướng mắc. Trong khi đó, Việt Nam vốn đã thỏa mãn 9/9 tiêu chí tại thời điểm được vào danh sách theo dõi.
Do đó, chúng tôi tin rằng nếu các tiêu chí này được duy trì trong năm theo dõi hiện tại (tháng 9-2018 đến tháng 9-2019), Việt Nam rất có thể sẽ được nâng cấp lên thị trường mới nổi thứ cấp vào năm 2020. Theo ước tính sẽ có khoảng 300 triệu USD dòng vốn thụ động vào TTCK Việt Nam trong trường hợp được nâng hạng.
Tuy nhiên, nhìn lại một số thị trường đã được nâng hạng như Qatar hay UAE, chúng tôi nhận thấy không có tăng trưởng rõ ràng về chỉ số và dòng vốn sau khi các thị trường này được FTSE thông báo nâng hạng.
Điều này có thể đến từ tiêu chuẩn nâng hạng có phần dễ dàng của FTSE; một thị trường không cần phải đạt được tiến bộ lớn để có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi, như vậy dòng vốn mới đổ vào cũng không quá đột biến. Điều đó cũng được phản ánh qua sự khác biệt trong quy mô tài sản quản lý của các quỹ tham chiếu theo FTSE Emerging Index (65 tỷ USD) và các quỹ tham chiếu theo MSCI Emerging Index (1.600 tỷ USD).
Vốn vào thị trường trái phiếu
Với sự ra đời của các quỹ trái phiếu gần đây, các NĐT cá nhân đã có thể tiếp cận thị trường này thay vì chỉ là sân chơi riêng của các NĐT tổ chức chuyên nghiệp với vốn lớn trước đó. Sự hấp dẫn của các quỹ trái phiếu không thể bàn cãi, đặc biệt đối với NĐT ưa chuộng khẩu vị an toàn và không muốn đặt cược vào các biến động lớn của TTCK.
Quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất là TCBF đã gia tăng quy mô tài sản tới 185% so với đầu năm. Từ tháng 9 đến tháng 11-2018, TCBF đã thu hút được khoảng 700 tỷ đồng đầu tư mới mỗi tháng. Lợi suất của các quỹ trái phiếu hiện đang vượt xa các quỹ đầu tư cổ phiếu, cao hơn đáng kể so với việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng, vốn chỉ xoay quanh mức lãi 6,5-7%.
Với xu hướng tăng của lãi suất, các sự kiện không thể đoán định từ thương mại thế giới và tính bất ổn cao của TTCK, không loại trừ khả năng các NĐT cân nhắc di dời một phần danh mục của mình sang thị trường trái phiếu. Tuy vậy, khi so sánh quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và quy mô hiện tại của các quỹ trái phiếu, chúng tôi cho rằng khối lượng vốn chuyển sang sẽ không quá đáng kể.
Theo thống kê, đã có 30 doanh nghiệp và tổ chức thay đổi vốn điều lệ trong 3 quý 2018, trong đó có tới 22 tổ chức tăng vốn điều lệ. Tổng vốn ròng tăng thêm 7.146 tỷ đồng. Các CTCK Hàn Quốc tích cực nhất trong cuộc đua tăng vốn này, tiêu biểu là Mirae Assets, KIS, Shinhan và KB. Những động thái này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các hoạt động tự doanh hay cho vay margin.
vốn này được kỳ vọng cải thiện thanh khoản thị trường trong năm 2019 (dự đoán của chúng tôi rơi vào trung bình khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng/phiên), có thể tạo nên những “con sóng” ngắn hạn cho thị trường. Tuy nhiên, NĐT không nên kỳ vọng đây là nhân tố giúp thị trường tăng trưởng bền vững.
 Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc hơn 10 lần, từ 100.000 tỷ đồng năm 2006 tới hơn 1 triệu tỷ đồng vào năm 2016. Mặc dù lãi suất danh nghĩa của trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp đang trong đà giảm từ 2010 trong một số năm, mức lãi vẫn cao hơn mức sinh lời của chỉ số VN Index. Thậm chí khi TTCK khởi sắc vào năm 2016 và 2017, quy mô thị trường trái phiếu vẫn đi ngang, không co hẹp.

Các tin khác