Không chỉ trông chờ vào Chính phủ
Trong khi nhiều nền kinh tế đang loay hoay đối phó với cơn bão lạm phát, các dữ liệu và chỉ số đo lường tại Việt Nam lại chưa phản ánh được những dịch chuyển giá cả do có độ trễ thống kê và sự lệch pha trong tăng trưởng với các nước phát triển. Tuy nhiên, với tâm lý và hành vi của người dân, điều này phản ánh rất rõ nét.
Từ khóa “chi phí đẩy” thường xuyên được nhắc đến như là nguyên nhân chính gây ra nỗi lo “bão giá”. Giá xăng, dầu liên tục phá đỉnh tạo ra hiệu ứng truyền dẫn, khiến hàng loạt mặt hàng khác định giá lại. Tuy giá xăng, dầu đã có điều chỉnh giảm, nhưng mặt bằng giá mới của nhiều hàng hóa khác vẫn khó kéo xuống, đặc biệt với các trường hợp “tát nước theo mưa”.
Khi nỗi lo lạm phát gia tăng, đầu tiên bị dư luận và các cơ quan giám sát chất vấn chính là Chính phủ. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, khi bị chất vấn, đều nêu ra các cam kết với mục đích trấn an như giảm thuế, phí, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm tính lành mạnh của thị trường…
Nhưng câu hỏi lớn hơn rằng kể cả giảm thuế, phí thì có thể giảm đến bao giờ? Chúng ta phải chấp nhận rằng trong nền kinh tế thị trường, Chính phủ chỉ có thể tác động đến việc kiềm chế lạm phát ở mức độ nhất định, thông qua các mệnh lệnh hành chính hay chính sách tiền tệ, bởi tất cả đều phụ thuộc vào thị trường.
Công tác truyền thông lâu nay dường như luôn thúc đẩy người dân kỳ vọng quá nhiều vào vai trò “cầm cân nảy mực” của Chính phủ như một cơ quan “toàn năng”, khiến khi kịch bản tiêu cực xảy ra càng làm thị trường thêm hoang mang.
Do đó, ngoài Chính phủ, cả người dân và doanh nghiệp đều phải chủ động có các biện pháp đối phó cho riêng mình. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lạm phát kỳ vọng là yếu tố quan trọng tác động đến lạm phát thực tế. Nhưng nếu để người dân kỳ vọng vào điều quá thiếu chắc chắn, kết quả có thể kém hơn mong đợi rất nhiều.
Hơn nữa, khác với các nước phát triển đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 và hiện đang phát triển “quá nóng”, Việt Nam mới bước ra từ vòng xoáy dịch bệnh và khởi động chương trình phục hồi kinh tế. Do vậy, thách thức của Việt Nam năm 2022 còn là việc cân bằng trong lựa chọn chính sách.
Đó là muốn hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải đẩy mạnh đầu tư công, nới lỏng tài khóa và tiền tệ, bơm tiền ra tiêu dùng. Nhưng làm vậy đồng nghĩa với việc thu hẹp khả năng kiềm chế lạm phát. Còn nếu tăng lãi suất để chặn trước đà tăng lạm phát có thể khiến nền kinh tế thêm trầy trật.
Bài học từ Hàn Quốc những năm 1980
Bài học từ Hàn Quốc những năm 1980
Ai cũng biết về sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc trong nửa sau của thế kỷ 20. Nhưng lại ít người biết về thành công của nước này trong việc giảm lạm phát đang ở mức trung bình 21% thập niên 1970 xuống còn khoảng 3% vào giữa những năm 1980. Bí quyết để Seoul đạt được sự ổn định giá cả này là truyền thông đại chúng.
Có thể nói về mặt môi trường chính trị, sự quản lý của cơ quan nhà nước đối với các phương tiện truyền thông của Hàn Quốc lúc đó và Việt Nam hiện nay có một số điểm chung. Điều này thúc đẩy việc truyền thông chính sách hiệu quả, đúng trọng tâm hơn, làm nền tảng điều hướng thị trường trước khi các chính sách thực sự có hiệu lực.
Để xây dựng sự đồng thuận xã hội, Hàn Quốc đã huy động gần như toàn bộ khu vực công. Các tổ chức tư vấn thuộc Chính phủ (tương tự các đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam) phối hợp chặt chẽ với các đài truyền hình để tạo ra các chương trình tài liệu cụ thể và dễ hiểu, nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc giải quyết lạm phát và các giải pháp có thể được thực hiện để xoay chuyển tình hình.
Chính phủ còn tăng cường việc trao đổi thông tin chính sách cụ thể đến báo chí, tổ chức xã hội quần chúng tác động đến dư luận và cả doanh nghiệp, nhằm đẩy tối đa việc truyền tải và giáo dục chính sách đến từng người lao động.
Khi giá cả tăng, các thành viên có vị thế tài chính tốt hơn trong xã hội có thể xoay sở để tận dụng những thay đổi của điều kiện thị trường nhanh hơn so với các thành viên có thu nhập thấp. Điều này có nghĩa những người có thu nhập thấp sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất khi lạm phát xảy ra.
Từ bài học của Hàn Quốc, điều Việt Nam nên cân nhắc là cần có những giải pháp hỗ trợ nhắm đến từng đối tượng cụ thể, tránh chung chung và phải được tuyên truyền đầy đủ, rộng rãi đến từng người dân và doanh nghiệp để cả xã hội hiểu được Chính phủ định làm gì và mình phải làm gì.
Thí dụ, hỗ trợ thông qua trợ giá các hóa đơn tiền điện, nước và các hàng hóa thiết yếu khác, có các biện pháp hỗ trợ đặc biệt đối với những hộ gia đình khó khăn có con nhỏ hoặc người già, nhiều người phụ thuộc. Hay như gần đây, việc xem xét nâng mức miễn trừ gia cảnh cũng là một giải pháp, tuy chưa đạt được tính tối ưu. Nói chung, các biện pháp cụ thể như vậy nếu được nắm bắt tốt sẽ tạo sự đồng thuận xã hội cao, hình thành kỳ vọng có lợi cho công tác kiềm chế lạm phát.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, lạm phát tại Việt Nam không xuất phát từ cung tiền và không mang yếu tố tiền tệ, nên không cần quá lo về thế lưỡng nan chính sách đã nêu phần trên. Tuy nhiên, cho dù là vậy, việc cân nhắc siết chặt tiền tệ vẫn là “cứu cánh” đầu tiên được suy xét khi lạm phát ập đến. Có nghĩa, dù với lý do gì, khi lạm phát quá cao, lãi suất buộc phải chạy theo.
Do vậy, các cơ quan chức năng cũng cần truyền thông chính sách theo hướng phác họa chân thực về giới hạn khả năng của mình trong kiềm chế lạm phát, để người dân và doanh nghiệp không bị thất vọng. Đồng thời, tuyên truyền rõ ràng về các khả năng chính sách để các bên có sự chuẩn bị tốt nhất, giảm thiểu các hệ quả tiêu cực.
Cần có những giải pháp hỗ trợ nhắm đến từng đối tượng cụ thể, được tuyên truyền rộng rãi đến từng người dân và doanh nghiệp, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội cao, hình thành kỳ vọng có lợi cho công tác kiềm chế lạm phát. |