Theo Công ty năng lượng phát triển Tuyên Yến (Bình Phước), các dự án ĐMT có tổng mức đầu tư lớn, vốn vay từ 70 - 80% với lãi suất 9,5 - 12%/năm nên áp lực trả nợ gốc và lãi hằng tháng rất lớn. Dự án chỉ trả được nợ khi hoạt động đúng công suất thiết kế, nhất là trong các tháng mùa khô.
Do đó, việc EVN vừa đề nghị các chủ đầu tư phải giảm công suất phát lên lưới 50 - 70% trong các tháng cuối năm 2021 sẽ khiến nhà đầu tư không có nguồn trả nợ vay.
Tương tự, hàng chục chủ đầu tư ĐMT tại Gia Lai, Đắk Nông cũng ký đơn tập thể kiến nghị về việc cắt giảm công suất phát lên lưới. Bên cạnh nguyên nhân COVID-19 làm tiêu thụ điện giảm sâu, các chủ đầu tư nhận định công tác dự báo, quy hoạch phát triển ĐMT của các cơ quan chức năng hạn chế, thiếu chính xác; hệ thống truyền tải chưa đồng bộ...
Nếu tiếp tục cắt giảm mạnh, các chủ đầu tư "dọa" sẽ đồng loạt khởi kiện các công ty điện lực vi phạm hợp đồng mua bán điện và bồi thường thiệt hại.
Các chủ đầu tư đã đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó đề nghị ưu tiên dùng các nguồn năng lượng sạch, giảm điện than, kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng đã ký đúng bằng thời gian tiết giảm công suất. Các doanh nghiệp cũng đề nghị công khai, minh bạch thông tin tiết giảm huy động điện các dự án ĐMT.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, EVN đã nhận được hàng chục văn bản khiếu nại dạng trên. EVN cho hay trong 2 tuần đầu tháng 9 tiêu thụ điện toàn quốc thấp hơn 24% so với trước khi giãn cách xã hội diện rộng, riêng tiêu thụ điện ở miền Nam thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
EVN cũng vừa có văn bản gửi 2 tổng công ty điện lực về việc qua kiểm tra đã phát hiện một số trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định về nghiệm thu, ký kết hợp đồng mua bán ĐMT mái nhà...
EVN yêu cầu giám đốc các công ty điện lực ký kết hợp đồng mua bán điện với 70 dự án khẩn trương kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư để xác định rõ có vi phạm hay không và "giám đốc các công ty điện lực cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật…".