Chủ đầu tư và nhà băng 'kích' cầu, khách hàng vẫn hờ hững

(ĐTTCO) - Mặc dù hiện lãi suất cho vay bất động sản vẫn chưa giảm sâu nhưng nhiều ngân hàng cũng như chủ đầu tư đã đưa ra các chính sách riêng để kích cầu mua nhà.
Công nhân thi công một dự án nhà ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng
Công nhân thi công một dự án nhà ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Rục rịch tài trợ mua nhà

Tháng trước, dự án Akari City (quận Bình Tân, TPHCM) của Công ty Nam Long đã công bố chính sách bán hàng giai đoạn 2, trong đó chủ đầu tư hỗ trợ 6%/năm lãi suất cho người mua nhà trong 18 tháng. Trường hợp lãi suất cho vay của ngân hàng vượt 6% thì khách hàng trả phần chênh lệch.

Chủ đầu tư cho biết, ngoài các ưu đãi trên sẽ tiếp tục nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng mua nhà ở với thời gian dài hơn.

Tương tự, mới đây, chủ đầu tư dự án Paris Hoàng Kim tại TP Thủ Đức đã tổ chức lễ công bố mở bán căn hộ. Đây được xem là trường hợp hiếm hoi khi xây xong nhà mới mở bán. Theo đó, người mua chỉ đóng 30% giá trị căn nhà sẽ nhận nhà vào ở, phần còn lại được trả góp trong thời hạn 2 năm, không lãi suất.

Đáng chú ý, chủ đầu tư ký kết với VietinBank để tài trợ vốn trong trường hợp khách hàng có nhu cầu sẽ được vay đến 70% giá trị căn nhà, lãi suất 9%/năm. Đại diện VietinBank cho biết, trong bối cảnh thị trường khó khăn, ngân hàng tham gia tài trợ đối với dự án có pháp lý đầy đủ nhằm hỗ trợ người mua nhà, cũng như góp phần khơi thông thị trường…

70% khó khăn của thị trường BĐS hiện nay là về pháp lý. Giải pháp bây giờ là phải tập trung tháo gỡ vướng mắc này. Các doanh nghiệp cũng cần rà soát, điều chỉnh giá BĐS để kích thích tín dụng doanh nghiệp BĐS cũng như người mua nhà.

Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc NHNN

(phát biểu trước Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 1-6)

Không chỉ tại TPHCM, một số dự án ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng được các chủ đầu tư liên kết với ngân hàng kích cầu bằng nhiều chính sách hỗ trợ “mạnh tay”.

Cụ thể như khách hàng mua dự án The Diamond City ở Long An sẽ được ngân hàng cam kết cho vay đến 50% giá trị căn nhà… Theo các chủ đầu tư BĐS, một tín hiệu tích cực trong thời điểm hiện nay là đang có sự đồng hành của ngân hàng.

Đơn cử như BIDV vừa ký hợp tác toàn diện với Công ty CP Xây dựng Coteccons để cung cấp giải pháp tài chính toàn diện. BIDV sẽ thu xếp nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Coteccons cũng như các công ty con, công ty liên kết trong các lĩnh vực xây dựng, đầu tư dự án; cung cấp cho cán bộ, công nhân viên của Coteccons các gói tín dụng cá nhân, trong đó có mua nhà với lãi suất tốt hơn trên thị trường.

Băn khoăn vì lãi vay còn cao

Chị Lê Ngân, ngụ tại quận 10 (TPHCM) than thở, sau khi hết lãi suất cho vay ưu đãi ở mức 7,8% trong 3 năm, khoản vay của chị vừa được Ngân hàng S. thông báo tăng lãi suất lên 12,5%/năm. “Với khoản vay 1,5 tỷ đồng mua căn hộ 4 tỷ đồng, mỗi tháng trước đây tôi trả khoảng 16 triệu đồng cả gốc lẫn lãi thì đến nay là gần 20 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập không tăng thêm mà trả lãi suất tăng, sẽ khó khăn hơn”, chị Ngân cho hay.

Qua ghi nhận thực tế, tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã xuất hiện các mức lãi suất cho vay mua nhà mềm hơn, nhưng áp dụng trong thời gian ngắn. Cụ thể, MSB cho vay lãi suất 4,99%/năm, áp dụng trong 3 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 24 tháng. TPBank cho vay 6,8%/năm cho 6 tháng đầu tiên với hạn mức lên đến 90% giá trị của tài sản đảm bảo. Shinhan Bank cho vay 7,99%/năm 6 tháng đầu và 54 tháng còn lại là 10,5%/năm…

Lý giải về việc lãi suất cho vay mua nhà vẫn neo ở mức cao mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi cũng đã giảm mạnh thời gian qua, lãnh đạo một NHTM tại TPHCM cho biết, lãi suất cho vay thường có độ trễ từ 9-12 tháng. Cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, do lãi suất huy động vẫn ở mức cao nên chi phí tăng cao, ngân hàng chưa thể giảm lãi suất cho vay đồng loạt ngay, mà đang ưu tiên giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trước.

“Thời gian qua, chúng tôi vẫn thực hiện cho vay mua nhà, đặc biệt là mua nhà để ở với những dự án pháp lý đầy đủ, lãi suất cho vay khoảng 10,5%/năm. Mặc dù vậy, khách hàng mua nhà vẫn rất ít, vì ngoài việc lãi suất cho vay còn cao thì khách hàng vẫn có tâm lý cũng chờ giá nhà và lãi suất giảm mới vay. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng kéo lãi suất cho vay mua nhà xuống khoảng 8-9%/năm để kích cầu mảng này”, vị này cho biết.

Theo báo cáo mới nhất của bộ phận nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI, trong khoảng 5 tháng đầu năm, tốc độ tăng của tín dụng BĐS rất cao (lên đến 9,78%), trong khi tín dụng chung của nền kinh tế tăng 3,24%. Điều này cho thấy tín dụng vẫn âm thầm chảy vào lĩnh vực BĐS thời gian qua, nhất là khi ngân hàng đang dư thừa vốn.

PGS-TS NGÔ TRÍ LONG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả: Cần giảm lãi suất cho vay BĐS

Trong bối cảnh tín dụng ngân hàng đang dư thừa, để đẩy vốn ra nền kinh tế, ngoài giảm lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các NHTM cần giảm lãi suất cho vay BĐS, đặc biệt là cho vay mua nhà để ở. Ngoài ra, để kích cầu cho vay mua nhà, cần mở rộng đối tượng cho vay mua nhà trong các gói hỗ trợ tín dụng, không chỉ bó hẹp trong nhà ở xã hội, nhà ở công nhân mà cả những người mua nhà ở thương mại giá thấp cũng cần được hỗ trợ, vì nhóm đối tượng này chiếm nhu cầu ở thực rất lớn trên thị trường.

Việc mở rộng đối tượng hưởng lãi suất ưu đãi vay mua nhà chính là đã tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, tháo nút thắt thanh khoản cho thị trường, giải quyết được tình trạng ảm đạm của thị trường BĐS.

QUỲNH LAM ghi

Các tin khác