Tuần qua tại Hà Nội, hơn 1.300 người xếp hồ sơ mua nhà ở xã hội nhưng chỉ có 149 căn nhà được bán, tỷ lệ "trúng" là "1 chọi 9". Với diện tích trên dưới 70m2, thì mỗi căn hộ 2 ngủ sẽ có giá hơn 1 tỷ đồng - chỉ bằng một nửa so với giá bán các căn hộ trung bình khác cùng vị trí.
"Gần đẻ rồi nhưng vẫn phải đi đặt căn như thế này, không ngờ được quyền mua căn hộ này rất là vui", một người xếp hồ sơ mua nhà ở xã hội cho biết.
Với "tỷ lệ 1 chọi 9" một lần nữa cho thấy, nhu cầu của người dân với nhà ở xã hội là rất lớn, trái ngược hẳn với phân khúc căn hộ, nghỉ dưỡng đang khó bán. Vậy câu hỏi đặt ra, đâu là điểm vướng khiến các doanh nghiệp bất động sản không đẩy mạnh xây dựng phân khúc này?
Trả lời câu hỏi này theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhà ở xã hội là loại hàng hoá đặc biệt. Như nhà ở thương mại được đưa vào thị trường, mua bán theo nhu cầu của thị trường, mọi vấn đề đều dựa vào thị trường. Còn với nhà ở xã hội là loại hàng hoá có chính sách hỗ trợ nên được kiểm soát khá chặt chẽ khi được khống chế bởi biên độ giá bán, lợi nhận của chủ đầu tư. Cùng với việc các thủ tục để thực hiện khá khó khăn.
"Đây là lý do khiến các chủ đầu tư chưa mặn mà hoặc có mặn mà thì cũng khó tiếp cận, thực hiện các dự án nhà ở xã hội", ông Đính cho biết.
Cũng theo ông Đính, với những điều kiện khống chế, các chủ đầu tư làm dự án nhà ở xã hội nếu tính toán không tốt còn không có lợi nhuận. Ông Đính cho rằng các chính sách cần được điều chỉnh, đặc biệt với chính sách về thủ tục hồ sơ, quy trình làm thế nào để chủ đầu tư có thể lợi nhuận ngắn nhưng dễ làm, thời gian thu hồi vốn ngắn để tái đầu tư…
Gói 120.000 tỷ đồng chưa ai vay
Theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về "Một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", NHNN đã được giao chủ trì triển khai chương trình, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Cụ thể, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank). Theo quy định hiện nay, người mua nhà được vay 8,2%/năm, và chủ đầu tư đang được vay 8,7%/năm nhưng sau gần 2 tháng, chưa một đồng nào được giải ngân.
Theo ông Đính, mặc dù Chính phủ rất nóng lòng thúc đẩy chương trình nhà ở xã hội, đặc biệt là chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội song đâu đó vẫn thấy rằng ở các địa phương vẫn chưa "kích hoạt" tình thần, trách nhiệm làm thế nào để cùng Chính phủ thúc đẩy nhà ở xã hội.
"Nhà nhiều địa phương vẫn thờ ơ, quyết liệt, nếu có vẫn mang tính hình thức nhiều hơn", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng lãi suất trong gói 120.000 tỷ đồng vẫn còn ở mức cao khiến người dân và doanh nghiệp chưa mặn mà
Ngoài ra, vẫn còn những khó khăn trong các quy định của pháp luật, quy trình thực hiện… dẫn đến nhiều dự án nhà ở xã hội tại các địa phương vẫn có những vướng mắc chưa được giải quyết.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn chưa cụ thể, rõ ràng khi bây giờ đến ngân hàng thì tiếp cận thế nào, đối tượng thuộc diện chính sách có phải thế chấp bằng tài sản hay không, vẫn chưa có quy định cụ thể. Còn về lãi suất, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội lợi nhuận biên chỉ khoảng 10% mà phai vay với lãi suất 8-9% cũng khiến các chủ đầu tư không mặn mà với việc vay vốn…
Còn với người mua, theo ông Đính, người mua là những người khó khăn về tài chính những vẫn phải vay với lãi suất tương đối cao. Điều này cũng khiến người mua kém mặn mà bởi họ không có khả năng chi trả bằng đồng lương.