Chủ động giải pháp xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc

(ĐTTCO)-Theo Cục Xuất Nhập khẩu, Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và có đường biên giới đất liền kéo dài với nhiều cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu phụ.
Cửa khẩu đường bộ Quốc tế số II Kim Thành trong ngày đầu tiên tạm dừng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Cửa khẩu đường bộ Quốc tế số II Kim Thành trong ngày đầu tiên tạm dừng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Trong những ngày qua, bệnh dịch viêm phổi do virus Corona gây ra đang có những diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, số người mắc bệnh và tử vong do bệnh dịch này tăng lên nhanh chóng.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và có đường biên giới đất liền kéo dài với nhiều cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu phụ. Hơn nữa, đây còn là nơi giao nhận, thông thương số lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Mặc dù bệnh dịch bùng phát trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, hàng hóa lưu thông ít nhưng để phòng chống dịch lan rộng, phía Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp hạn chế giao thương; trong đó thị Bằng Tường sẽ lùi thời gian mở các cửa khẩu với Việt Nam đến ngày 9/2 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa từ ngày 3/2).

Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện nay chỉ có thể xuất khẩu qua cửa khẩu phụ. Vì thế, việc lùi thời gian mở cửa khẩu sẽ làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu các loại nông sản này, đặc biệt là các mặt hàng đang vào vụ thu hoạch như dưa hấu, thanh long.

Mặt khác, do tình hình lưu thông giữa các địa phương của Trung Quốc cũng gặp khó khăn vì các biện pháp chống dịch nên một số doanh nghiệp Trung Quốc có thể có động thái giãn tiến độ thực hiện các đơn hàng mua thanh long của Việt Nam.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã nhanh chóng có thông báo về tình hình diễn biến tại các cửa khẩu và đề nghị doanh nghiệp theo sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa tránh phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng cần dự tính phương án ứng phó với khả năng dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng, kéo dài dẫn đến việc giao thương với Trung Quốc gặp khó khăn hơn nữa, thậm chí không thể thực hiện được, từ đó có phương án kịp thời chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, tiêu thụ trong nước hoặc đưa vào chế biến, trữ lạnh.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp chế biến tăng cường thu mua trái cây tươi tại các tỉnh để chế biến thành các sản phẩm như: nước ép, sấy khô... vừa nâng cao giá trị mặt hàng, vừa giúp nông sản có thể lưu giữ được lâu hơn.

Các doanh nghiệp logistics sở hữu kho lạnh cũng cần vào cuộc, hỗ trợ các doanh nghiệp nông sản, dành diện tích bảo quản lạnh với giá ưu đãi để giúp các doanh nghiệp nông sản bảo quản nông sản, thủy sản trong thời gian tìm kiếm hợp đồng mới.

Cục Xuất Nhập khẩu khuyến cáo, nếu dịch viêm phổi do virus Corona kéo dài, việc thông thương tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế khiến lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng.

Do vậy, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nông sản, cần lường trước tình huống để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp.

Các tin khác