Phức tạp
Tính đến tháng 3-2020, đã có hơn 120 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là điều tra chống bán phá giá, lẩn tránh PVTM và đội lốt xuất xứ.
Đặc biệt, trong số các vụ điều tra, khởi kiện có đến trên 80% liên quan đến ngành thép. Tính đến nay, đã có đến 11 thị trường khởi kiện thép Việt Nam là Mỹ, EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu và một số đang xem xét khởi kiện như Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan...
Trước đó, cuối năm 2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã ra thông báo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê của Mỹ, trong 10 tháng năm 2019 giá trị xuất khẩu thép CORE và CRS của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 260 triệu USD. Theo đó, DOC cho rằng các mặt hàng thép mạ và thép cán nguội của Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng của Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi đáng kể của Mỹ, nên bị coi là lẩn tránh thuế.
Với kết luận này, cơ quan Hải quan Mỹ tiến hành thu thuế các mặt hàng thép của Việt Nam với các cơ chế cụ thể từng nhóm sản phẩm. Thị trường Mỹ hiện chiếm 6,5% trong tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam (ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 65%). Sản phẩm thép Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt để vượt qua những rào cản kỹ thuật và PVTM của các nước.
Trong thời gian qua, ngành sản xuất thép trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất, xuất khẩu lớn cũng đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh Mỹ điều tra chống lẩn tránh.
Cụ thể, nhiều DN đã chuyển hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào (thép cán nóng) từ nhiều nguồn khác cũng như mua thép cán nóng sản xuất trong nước, xây dựng hệ thống quản lý để phục vụ việc tự chứng nhận.
Năm 2019, ngoài vụ việc với ngành thép, nhiều mặt hàng, nguyên liệu phục vụ sản xuất từ các nước bị áp thuế cao đã tìm đường vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ để xuất khẩu sang các nước khác nhằm hưởng thuế suất ưu đãi.
Hiện nay, cùng với sự tăng trưởng mạnh các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ, EU, thị trường Việt Nam cũng đồng thời tăng mạnh nhập khẩu các nhóm hàng tương tự từ Trung Quốc, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm từ kim loại thường; dây điện và dây cáp điện; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh.
Trong đó, nhiều nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu gia tăng đột biến từ 20-50% cũng đang bị các nước nhập khẩu điều tra chống lẩn tránh thuế như: sắt, thép, xe đạp điện, pin năng lượng mặt trời, gỗ ván ép…
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2019 tổng trị giá kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt trên 517 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 263,85 tỷ USD và nhập khẩu đạt 254 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư gần 9,9 tỷ USD tỷ USD.
Tuy nhiên, tính bền vững của kết quả này đang bị thách thức bởi các hành vi gian lận xuất xứ diễn biến phức tạp trong bối cảnh gia tăng xu hướng bảo hộ thương mại và tăng cường áp dụng biện pháp PVTM giữa các nền kinh tế lớn.
Chủ động phòng vệ
Chủ động phòng vệ
Hoàn thiện hệ thống pháp lý và cơ chế chính sách kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, trong đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp đang là đòi hỏi tất yếu. |
Trước hết, cần phải nâng cao hiểu biết và nhận thức của người tiêu dùng và DN về hình thức, tác động và hậu quả của gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp đối với người tiêu dùng và nền kinh tế. Trên cơ sở đó, người tiêu dùng và DN sẽ phát huy vai trò trách nhiệm và vì quyền lợi chính đáng để tham gia phát hiện, tố cáo, tìm và lưu giữ các bằng chứng, giúp các cơ quan liên quan đấu tranh chống các hành vi này trong tiêu dùng nội địa, đặc biệt trong xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức nhằm giúp DN không để các công ty nước ngoài mượn tên, đội lốt thương hiệu, gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành hàng và nền kinh tế.
Vì thế, hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa và cơ chế chính sách kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, đảm bảo có cơ sở pháp lý chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế trong đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp cũng đang là đòi hỏi tất yếu.
Thực tế, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cho phép áp dụng các biện pháp PVTM để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hoặc được trợ cấp). Do đó, biện pháp chủ động tự vệ chính là công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa trong nước nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước, do hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến.
Các biện pháp PVTM cũng là cơ sở để giám sát, kiểm tra các hàng hóa nhập khẩu, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.