Song, ngân sách TPHCM được hưởng không tăng tương ứng, vì TPHCM có tỷ lệ số thu nộp về ngân sách Trung ương cao nhất trong 63 tỉnh - thành.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Xây dựng thành phố thân thiện môi trường
Tiếp tục trao đổi về một số nội dung mà đại biểu (ĐB) và cử tri quan tâm tại phiên chất vấn và thảo luận tổ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, thời gian qua, UBND TP đã chỉ đạo lực lượng công an triển khai công tác bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội bằng các kế hoạch, giải pháp cụ thể.
Qua đó, phạm pháp hình sự năm 2019 tiếp tục kéo giảm 8,25% so cùng kỳ và là năm thứ 5 liên tiếp kéo giảm phạm pháp hình sự.
Đặc biệt, đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây tổ chức, vận chuyển, mua bán ma túy lớn, chuyên nghiệp, thu giữ số lượng lớn ma túy. Tai nạn giao thông cũng được kiềm chế, kéo giảm trên cả 3 tiêu chí và là năm thứ 3 liên tiếp tai nạn giao thông được kéo giảm.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TPHCM là đô thị đặc biệt, đông dân nhất cả nước với 9 triệu người. Nếu tính cả số người đang đang sinh sống, học tập, lao động thực tế tại thành phố thì con số này phải hơn 13 triệu người.
Đây là áp lực lớn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài nguyên môi trường. “Các cấp chính quyền thành phố rất quan tâm đến các vấn đề trên. Tuy nhiên với khối lượng công việc rất lớn thì việc xử lý vẫn không tránh khỏi những bức xúc của người dân”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ.
Do đó, trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các quy hoạch về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội có liên quan đến việc sử dụng đất, đảm bảo việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Cùng với đó, tiếp tục đưa công tác quản lý đất đai ngày càng đi vào trật tự, kỷ cương, nền nếp.
TPHCM cũng chú trọng các giải pháp giảm ô nhiễm không khí; thực hiện có hiệu quả hơn nữa cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch; thực hiện hiệu quả lộ trình giảm khai thác nguồn nước ngầm, phấn đấu giảm lượng khai thác nước dưới đất từ 24,78% năm 2019 xuống còn 15,35% năm 2020.
Trong xử lý rác, TPHCM sẽ duy trì tỷ lệ chất thải rắn thông thường ở đô thị được thu gom, lưu giữ, xử lý đạt 100%. Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại và chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý đạt 100%.
Riêng với rác sinh hoạt, TPHCM tiếp tục thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn. Cùng với đó, TPHCM hoàn thành các nhà máy đốt rác phát điện theo kế hoạch xây dựng và triển khai chương trình xây dựng thành phố xanh, thân thiện môi trường giai đoạn 2020-2025.
Đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách đối với TPHCM từng bước trong 10 năm
Điểm lại nhiều công việc quan trọng trong năm 2019, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đến kết quả thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU (về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”); Chỉ thị 23-CT/TU (về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố) của Ban Thường vụ Thành ủy đã đạt được kết quả tích cực. Qua đó, ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao, nhiều điểm đen được chuyển hóa thành sinh hoạt cộng đồng; số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm 13% so với cùng kỳ.
TPHCM cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển hạ tầng đô thị, thông qua việc tổ chức thi tuyển quốc tế về ý tưởng quy hoạch định hướng phát triển Khu đô thị sáng tạo có tính tương tác cao ở khu vực phía Đông thành phố (bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức), đạt được kết quả tích cực.
Đặc biệt, thu ngân sách cả năm dự kiến đạt 412.474 tỷ đồng, tăng 3,34% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 và tăng khoảng 9% so với thực thu năm 2018. Bình quân thu 1.620 tỷ đồng/ngày làm việc.
Tuy vậy, đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ ra bất cập về khoản ngân sách TPHCM được hưởng.
Theo đồng chí, số thu ngân sách thực tế TPHCM được hưởng ngày càng giảm do tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TPHCM giảm. Năm 2003 tỷ lệ điều tiết là 33% nhưng đến thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, tỷ lệ này chỉ còn 18%. Đây là thời kỳ ổn định ngân sách có tỷ lệ điều tiết giảm mạnh so với các giai đoạn trước (5%).
Qua nghiên cứu sự phát triển của nhiều quốc gia và các thành phố lớn trên thế giới, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của các địa phương trên 10 triệu dân bình quân là 46,43%, thấp nhất là 33,09% (Paris).
“Năm 2019, UBND TPHCM đã đề xuất xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm (%) các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Theo đề xuất, UBND TPHCM cho rằng cần nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương của TPHCM cũng như các tỉnh - thành phố khác. Trong đó tăng tỷ lệ điều tiết đối với TPHCM từng bước trong 10 năm 2020-2030 từ 18% lên 33%, để TPHCM có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước.
Xây dựng nếp sống văn minh đô thị
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận xét, năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII.
Đây là năm rất quan trọng, kết quả thực hiện năm 2020 có ý nghĩa quyết định đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Trong bối cảnh dự báo sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi không chỉ chính quyền các cấp mà cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố cần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
TPHCM cũng xác định chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.
Do đó, người đứng đầu chính quyền TPHCM nhấn mạnh một số việc trọng tâm, cụ thể trong năm 2020 sẽ được UBND TP tập trung thực hiện.
Cụ thể, TPHCM tập trung thực hiện chủ đề năm 2020 bằng 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các nội dung, tài liệu, văn kiện, tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI; đồng thời phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, chỉ tiêu cả nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Cùng với đó, TPHM tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội. Trong đó, TPHCM sẽ tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách bằng việc đẩy nhanh tiến độ sắp xếp nhà, đất của các cơ quan trung ương trên địa bàn; xây dựng, triển khai thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố, tạo nguồn thu đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ xung quanh khu vực cảng.
Đặc biệt, TPHCM tập trung vào nhiều đề án quan trọng như đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm (%) các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM; đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; đề án “Xây dựng TPHCM thành thành phố thông minh” và đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đó là việc duy trì họp tổ công tác đầu tư hàng tuần để kịp thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; thường xuyên tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh và đầu tư…
Cùng với đó, TPHCM tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị (theo Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy), vận động người dân không xả rác (theo Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy) và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (theo Chỉ thị 23-CT/TU của Thành ủy). Việc này nhằm tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
“Số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao qua các năm và chiếm hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước, nhưng ngân sách TPHCM được hưởng không tăng tương ứng. Tổng chi ngân sách địa phương được hưởng theo tỷ lệ điều tiết chỉ chiếm tỷ trọng hơn 4% tổng chi cả nước”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin. |
Hàng điện tử bắt nhịp xu thế phát triển kinh tế số Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá, năm 2019 TPHCM thựchiện chủ đề “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội” đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, UBNDTP đẩy mạnh ủyquyền cho các sở - ngành, UBNDcác quận - huyện, giúprút ngắn thời gian xử lý giải quyết hồ sơ, tiết kiệm chi phí, thời giancho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Việc triển khai thực hiện chi thu nhập tăng thêmgóp phần động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng suất phục vụ và hiệu quả công việc. Từ những nỗ lực đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2019 đã đạt nhiều kết quả khả quan. Hầu hết các ngành đều tăng trưởng khá so với năm 2018. Tổng sản phẩm (GRDP) đạt hơn 1,34 triệu tỷ đồng, ước tăng 8,32% (cùng kỳ tăng 8,3%). Riêng ngành bất động sản tăng 5,09%, tăng thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,19%), nguyên do các dự án bất động sản gặp khó khăn về pháp lý. Tương tự,khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,78%,có mức tăng thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,12%). Ngành xây dựng tăng thấp đã phản ánh sát thực tế về khó khăn của lĩnh vực trong năm qua. Theo đó,nhiều dự án không được triển khai do vướng kết luận thanh tra, cùngsự chồng chéo, bất cập giữa các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở. Chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố năm 2019 ước tăng 7,9%, mức tăng tương đương cùng kỳ.Tuy nhiên, điểm sáng trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu là ngành sản xuất hàng điện tử tăng 24%so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,54%). Đây là ngành được kỳ vọng tăng trưởng nhanh nhằm bắt kịp xu thế công nghiệp 4.0 và chủ trương phát triển kinh tế số. |