PHÓNG VIÊN: - TTCK từ đầu năm đến nay có sự tăng trưởng ấn tượng. Nhiều ý kiến cho rằng sự tăng trưởng này khá nóng, cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ tránh để xảy ra hiện tượng bong bóng. Quan điểm của bà ra sao?
Bà TẠ THANH BÌNH: - Năm 2021, với những chính sách quyết liệt, kịp thời, Việt Nam vẫn kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Do đó, TTCK đã nhanh chóng tăng trưởng trở lại và được đánh giá là một trong những thị trường có sức chống chịu với đại dịch Covid-19 và phục hồi tốt nhất thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số VN Index bứt phá mạnh mẽ, liên tục lập đỉnh mới, được CNBC đánh giá là thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tính đến 30-6, VN Index đạt 1.408,55 điểm, tăng 6,1% so với cuối tháng trước, tăng 27,6% so với cuối năm 2020. Mức vốn hóa thị trường đạt trên 6,8 triệu tỷ đồng, tăng 29% so với cuối năm 2020, tương đương 108,5% GDP.
Thanh khoản thị trường tăng đáng kể. Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân trong 6 tháng đầu năm đạt 22.731 tỷ đồng/phiên, tăng 206,3% so với bình quân năm 2020; giá trị giao dịch bình quân trái phiếu đạt 11.706 tỷ đồng/phiên, tăng 12,6%.
Trên TTCK phái sinh, tính chung từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 189.236 hợp đồng/phiên, tăng 21%.
Việc TTCK tăng trưởng mạnh mẽ xuất phát từ nhiều yếu tố. Trên thế giới, hầu hết TTCK đã tăng điểm và hồi phục tích cực như Mỹ tăng 12,7%, Pháp 17,2%, Hàn Quốc 14,7%, Đức 13,2%, Thái Lan 9,6%, Anh 8,9%. Các nền kinh tế lớn nhất thế giới có dấu hiệu khởi sắc, tăng trưởng trở lại sau khi chương trình tiêm vaccine Covid-19 được triển khai trên diện rộng, đã tạo đà cho TTCK tăng trưởng.
Trong nước, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã thực hiện tốt mục tiêu kép, nhờ đó nhiều chỉ tiêu kinh tế vẫn hoàn thành theo đúng kế hoạch. GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của cùng kỳ năm trước; xuất khẩu tăng 28,4%; CPI bình quân tăng 1,47% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Mặt bằng lãi suất thấp cũng khiến TTCK tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn so với tiền gửi tiết kiệm. Trong 6 tháng đầu năm có khoảng 500.000 tài khoản được mở mới - số kỷ lục từ trước tới nay.
Về phía doanh nghiệp, đa số ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Theo báo cáo tài chính quý I của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 10,9% và 66,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, có thể thấy, diễn biến tăng điểm của TTCK Việt Nam những tháng đầu năm đồng pha với TTCK thế giới, mặc dù mức tăng mạnh hơn vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát và chưa có yếu tố bất thường, phù hợp với diễn biến chung của nền kinh tế trong nước, quốc tế.
Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo thị trường phát triển an toàn, bền vững và minh bạch.
- Trong khi khối ngoại bán ròng, NĐT trong nước, nhất là NĐT cá nhân lại tăng mua vào. Bà lý giải sao về vấn đề này?
Diễn biến tăng điểm của TTCK Việt Nam đồng pha với TTCK thế giới, dù mức tăng mạnh hơn vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát và chưa có yếu tố bất thường, phù hợp với diễn biến chung của nền kinh tế trong nước, quốc tế. |
Ngoài ra, số liệu số dư tiền mặt trên tài khoản của NĐTNN trên TTCK vẫn lớn, chứng tỏ khối ngoại chưa có động thái rõ rệt rút khỏi thị trường Việt Nam mà vẫn tiếp tục chờ đợi cơ hội tốt để giải ngân.
Nhìn vào giá trị tuyệt đối bán ròng tại TTCK trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt giá trị bán ròng tại TTCK trong tháng 5 khá cao, nhưng so sánh tương quan của thị trường châu Á là khiêm tốn.
NĐTNN bán ròng tại thị trường Việt Nam khoảng 497 triệu USD trong tháng 5, trong khi ở Thái Lan 1,1 tỷ USD, Đài Loan 2,1 tỷ USD, Hàn Quốc 7,9 tỷ USD. UBCKNN vẫn tiếp tục theo sát tất cả diễn biến của NĐTNN trên TTCK nhằm phục vụ công tác quản lý thị trường.
- Bà dự báo ra sao về triển vọng TTCK Việt Nam từ nay đến cuối năm, cũng như kỳ vọng gì về hệ thống KRX sẽ được đưa vào vận hành vào đầu năm 2022?
- Triển vọng TTCK Việt Nam vẫn khả quan khi các yếu tố giúp thị trường tăng điểm trong thời gian qua vẫn được duy trì, bao gồm triển vọng phục hồi kinh tế vĩ mô, khả năng kiểm soát dịch Covid-19 của Chính phủ, chính sách tiền tệ chưa có sự thay đổi rõ rệt trong ngắn hạn và mức hấp dẫn của TTCK so với các kênh đầu tư khác.
Như vậy, TTCK Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới, dù có thể có những đợt điều chỉnh do NĐT chốt lời sau khi đạt lợi nhuận kỳ vọng hoặc tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Về hệ thống công nghệ thông tin TTCK KRX, hiện nay HoSE và các đơn vị liên quan đang tập trung nguồn lực, tích cực triển khai dự án, đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình. Khi đi vào vận hành, hệ thống KRX với năng lực xử lý tốt được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng cao của thị trường.
Tôi cũng xin nói thêm, thời gian qua việc NĐT F0 tham gia các diễn đàn để chia sẻ kiến thức, kỹ năng đầu tư, cũng như việc thuê dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp có thể hữu ích đối với NĐT nếu thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Chúng tôi cũng cho rằng, NĐT nên chuẩn bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng liên quan, đồng thời đánh giá rủi ro và cân nhắc kỹ lưỡng khi tham gia TTCK. Hoạt động đầu tư trên TTCK cần dựa trên các phân tích, đánh giá về giá trị thực của cổ phiếu, gắn với việc đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh, triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp, tránh việc đầu tư theo phong trào, theo cảm tính.
- Xin cảm ơn bà.