Đoàn TPHCM thảo luận tại tổ, sáng 22-10. ẢNH: QUANG PHÚC
Ngày 22-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và việc tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Tại tổ TPHCM, các đại biểu đã nêu nhiều vấn đề “nóng” về các vấn đề xã hội, đặc biệt là trong ngành y tế. ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nêu những trăn trở trong lĩnh vực y tế, đó là tình trạng hàng loạt nhân viên y tế xin nghỉ việc, chưa giải quyết được vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Đây là những vấn đề có tính nghiêm trọng hiện nay của ngành y tế. “Cả ngành y tế, người dân đang bức xúc vì thiếu thuốc, thiếu từng cái băng gạc mà dân phải đi mua và bảo hiểm y tế không thanh toán, khiến quyền lợi người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chúng ta chưa làm tốt việc chăm sóc sức khỏe nhân dân”, ĐB Phạm Khánh Long Lan bức xúc.
Theo ĐB, nguyên nhân của thực trạng này là cơ chế, quản lý chưa tốt, tâm lý "sợ làm là bị phát hiện sai". Dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30 về cơ chế đặc thù chống Covid-19, nhưng khi triển khai, giữa các đơn vị thanh tra, kiểm toán, công an "chưa nhìn nhận lẫn nhau, làm chùn bước những người muốn làm việc hiệu quả".
Theo ĐB, vấn đề xã hội hóa y tế đã được đề cập từ kỳ họp trước và thậm chí đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. “Cần phải làm rõ, nói thẳng, nói thật để tân Bộ trưởng Bộ Y tế thấy rõ và tìm giải pháp khắc phục. Là do cơ chế và do quản lý của chúng ta chưa tốt. Đơn cử vấn đề thiếu thuốc, nói nhiều, họp nhiều, nhưng vẫn thiếu thuốc, vậy gốc rễ ở đâu? phải chỉ rõ và khắc phục. “Thuốc đắng dã tật”, cần nhìn thẳng sự thật là với cơ chế hiện nay, với mức tiền lương hiện giờ, ngành y tế tuy vẫn cố gắng chống chọi nhưng kém hiệu quả. Cần đánh giá đúng thực trạng của ngành y để đưa ra giải pháp một cách căn cơ, kịp thời. Ví dụ nhân viên ngành y bỏ việc nhiều, ai cũng thấy cần phải có chính sách, tăng lương, nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách nào được thực thi.” - ĐB Phong Lan thẳng thắn.
Cùng chung nỗi bức xúc, ĐB Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ khi có những tiếng nói đầu tiên về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đến nay đã hơn tám tháng, và dù Chính phủ, các bộ, ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp, gặp gỡ lắng nghe cán bộ y tế, nhưng đến giờ chưa có thay đổi nào.
Ông dẫn chứng, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khi dùng các máy cao cấp như máy xạ trị, CT thì phải mua của các hãng độc quyền. Một bóng đèn dùng trong máy CT khoảng 3-4 tháng là hỏng, phải thay. Nhưng vì máy độc quyền của một hãng, nên khi thay bóng đèn hoặc các linh kiện kèm theo máy thì buộc phải mua đúng loại của hãng đó mới sử dụng được. Nhưng nếu ghi rõ là mua bóng đèn của hãng cụ thể, thì sẽ bị coi là vi phạm chỉ định thầu. Rồi theo quy định, khi đấu thầu phải tham khảo ba gói giá. Nhưng khi mua máy cao cấp, chỉ có một hãng độc quyền thì không có gói giá khác để tham khảo, do đó đang có thực trạng là máy móc cao cấp ở các bệnh viện hư hỏng nhưng rất khó sửa chữa, "rất bế tắc".
Vị Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, tình trạng này nói quá nhiều nhưng đến nay chưa có gì thay đổi, các bệnh viện vẫn loay hoay không biết mua sắm thuốc như thế nào. Nhân viên y tế phải giảm thời gian làm chuyên môn để lo việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Nhiều thiết bị, máy móc cao cấp hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa, “Tết Nguyên đán đang đến gần, chúng tôi như ngồi trên đống lửa”, ĐB Nguyễn Tri Thức nói. Thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, nên hậu quả lại đổ lên người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo, vì người có tiền thì có thể ra bệnh viện tư chữa trị nhưng người dân nghèo thì không.
Về nhân lực ngành y tế, ĐB Nguyễn Tri Thức cho rằng, nhiều bác sĩ giỏi, tinh hoa bỏ việc ở bệnh viện công, ra làm ở bệnh viện tư. Như vậy, người giàu thì càng có cơ hội tiếp cận với bác sĩ giỏi ở viện tư, còn người nghèo điều trị ở bệnh viện công thì ít cơ hội hơn, đó là sự bất bình đẳng, “nên không thể nói chung chung là bác sĩ làm việc ở đâu thì cũng là chữa bệnh cho dân”.
ĐB cũng nêu về tình trạng nhiều bệnh viện chưa được thanh toán tiền bảo hiểm y tế, khiến bệnh viện khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh. Dù tồn dư quỹ bảo hiểm y tế lớn, nhưng việc thanh toán bảo hiểm y tế cho các bệnh viện rất khó khăn. Bệnh viện Chợ Rẫy được "khoanh vùng" bảo hiểm y tế năm 2019 là 283 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay số tiền này chưa được thanh toán hết cho bệnh viện.
ĐB Nguyễn Tri Thức đề nghị trong giai đoạn cấp bách này cần thêm thẩm quyền để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định những vấn đề cần giải quyết cấp bách, trong đó có việc của ngành y, còn nếu theo thủ tục thông thường, phải họp hành qua nhiều bộ, rất chậm để giải quyết.
Cùng phát biểu về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cũng cho rằng, ngành y tế đang rất khó khăn, nhưng mới được giải ngân 12% vốn đầu tư công. Như vậy, còn 88% số tiền được giao mà ngành chưa tiêu được, trong khi rất cần, rất nhiều vấn đề bức xúc. Ông đã đến bệnh viện tuyến Trung ương và thấy rõ cảnh thiếu đủ thứ, thậm chí thuốc xoa ngoài da giảm đau cũng không có.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho biết “nhiều cán bộ lão thành phản ảnh có bảo hiểm y tế nhưng phải ra ngoài mua thuốc, mà ra ngoài mua cũng không có”.
Từ thực tế hiện nay, các ĐBQH đều cho rằng, Quốc hội cần có Nghị quyết để giải quyết các vấn đề cấp bách về đấu thầu trong y tế và hàng loạt vấn đề của ngành này. “Quốc hội nên có Nghị quyết, hoặc ủy quyền cho UBTVQH có Nghị quyết để thực hiện một số giải pháp để giải quyết nhanh một số vấn đề cấp bách, điển hình như giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay. Nghị quyết có thể chỉ cần thực hiện trong thời gian vài tháng”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nói.