Luật doanh nghiệp và luật đầu tư 2014

Chưa tận dụng sự thông thoáng

Luật Đầu tư, Luật DN đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7, sau 3 ngày kể từ ngày áp dụng vẫn còn rất nhiều DN băn khoăn về việc thực thi cũng như nội dung các văn bản hướng dẫn luật, thậm chí đến năng lực thực thi của cơ quan hành pháp.

Luật Đầu tư, Luật DN đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7, sau 3 ngày kể từ ngày áp dụng vẫn còn rất nhiều DN băn khoăn về việc thực thi cũng như nội dung các văn bản hướng dẫn luật, thậm chí đến năng lực thực thi của cơ quan hành pháp.

DN vẫn lúng túng

Có mặt tại Sở Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT)TPHCM vào chiều thứ sáu, mặc dù là buổi làm việc cuối tuần nhưng vẫn đông người ghé đến. Hầu hết các chủ DN đến đăng ký kinh doanh (ĐKKD), làm thủ tục pháp lý, thay đổi thành viên... So với cách đây khoảng 1 tháng ở thời điểm hiện tại, DN tập trung đến đây gấp nhiều lần và đa số là chờ giải đáp thắc mắc, băn khoăn về những quy định trong luật DN mới.

Tại quầy đăng ký dịch vụ và hỏi đáp thắc mắc cho DN, có hơn 20 người đứng xếp hàng đợi đến lượt đề nghị hướng dẫn. Trong đó hầu hết đều lúng túng trước một số nội dung liên quan đến việc áp dụng luật mới như: Thủ tục thay đổi thành viên, thủ tục về con dấu, mẫu biểu thuế DN thành lập mới, xuất nhập khẩu có phải đăng ký ngành nghề kinh doanh; bên cạnh đó nhiều chủ DN vẫn chưa nắm rõ có hay không việc không phải đăng ký ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm…

Ngoài ra, cơ quan ban hành luật và Sở KH-ĐT cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến luật mới nhiều hơn nữa để bảo đảm nội dung, tinh thần luật được truyền tải đúng và đầy đủ đến những người áp dụng, bao gồm cả cơ quan nhà nước, người dân, DN.

Trao đổi với ĐTTC, ông Hà Minh Mẫn, chủ một DN kinh doanh về lĩnh vực may mặc, cho biết trước đây công ty của ông hoạt động hoàn toàn dưới sự lãnh đạo của người Việt, song hiện tại công ty đã cổ phần hóa và có vốn đầu tư của người nước ngoài. Do vậy, ông đến làm lại thủ tục và đăng ký thêm người đại diện, phía nhân viên phòng đăng ký dịch vụ đòi phải có thêm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư rồi mới làm thủ tục thành lập mới DN cho ông.

Khi hỏi nhân viên quầy đăng ký dịch vụ về trường hợp này, được biết theo luật mới trường hợp nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần, phần vốn góp của DN đã thành lập tại Việt Nam sẽ được chia thành 2 tình huống: Nếu mua dưới 51% vốn điều lệ thì làm thủ tục như đối với nhà đầu tư trong nước. Nếu mua trên 51% vốn điều lệ thì nhà đầu tư nước ngoài phải làm hồ sơ xin ý kiến của Sở KH-ĐT, sau khi Sở có văn bản đồng ý mới tiến hành làm thủ tục ĐKKD.

Trường hợp công ty ông Mẫn, nhà đầu tư nước ngoài có trên 51% vốn điều lệ, do vậy phải áp dụng đúng theo quy trình thứ 2. Như vậy, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự mâu thuẫn này là DN chưa nắm vững được quy định mới của Luật DN 2014, suy rộng ra là việc truyền đạt, phổ biến nội dung và các điều khoản về áp dụng luật mới của các cơ quan chịu trách nhiệm chưa rộng rãi và rõ ràng.

Tăng cường tuyên truyền phổ biến luật mới

Nhiều DN cho rằng việc áp dụng luật mới tạo cho DN nhiều thuận lợi trong việc kinh doanh, rút ngắn thời gian đăng ký, làm thủ tục, đồng thời có nhiều cơ hội hoạt động đa dạng và tiếp cận với nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, việc áp dụng luật mới cũng gây không ít khó khăn, vướng mắc cho DN, bạn hàng... bởi lâu nay thói quen, tập quán xem văn bản, ký tá, đóng dấu... đã được in sâu trong tâm trí của đa số DN Việt, trở thành căn cứ của niềm tin. Trong khi việc sử dụng thông tin, giao dịch trên mạng điện tử, chữ ký số... lại chưa tạo thành thói quen, tập quán và niềm tin.

Bên cạnh đó, việc giảm sử dụng nhiều con dấu giúp DN đỡ phiền hà, tốn kém về chi phí, thời gian và phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhưng cũng có thể gây ra nhiều bất cập trong nội bộ công ty khi phân định rõ ràng người chịu trách nhiệm phán xét, ra quyết định một công việc nào đó.

DN làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT TPHCM.

DN làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT TPHCM.

Luật mới ban hành có khả năng “cởi trói” cho nhiều DN là rất cao, nhưng vấn đề là làm sao DN tận dụng được sự “cởi trói” này để sáng tạo, nâng cao tinh thần chủ động và chọn cho mình mô hình hoạt động hiệu quả. Bất kỳ luật mới nào ra đời cũng phải có giai đoạn “chạy thử nghiệm” - và đương nhiên thời gian đầu sẽ có sự chậm trễ trong việc thực hiện theo luật mới, ít nhất phải từ 6 tháng đến 1 năm luật mới đi vào đời sống được. Trong giai đoạn này, không chỉ các cơ quan nhà nước mà các DN cũng phải tìm hiểu kỹ 2 luật mới.

Các DN, đặc biệt là các DNNVV, còn lúng túng, chưa cập nhật hết những thay đổi trong luật mới; thói quen xin - cho giữa DN và cán bộ quản lý nhà nước đã duy trì một thời gian dài nên thời gian việc thay đổi không thể ngày một ngày hai.

Các tin khác