Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương) chia sẻ, hiện có 3 phương châm mà các tập đoàn phân phối và thu mua toàn cầu xác định dành riêng cho Việt Nam: “Nếu bạn muốn đa dạng hóa nguồn cung, bạn có thể tìm tới Việt Nam”; “Nếu bạn muốn thiết kế một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt trước những biến động của thị trường, bạn cần tìm tới Việt Nam”’; “Nếu bạn muốn tìm nhà cung ứng có khả năng chuyển đổi, thích ứng rất nhanh chóng với xu hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, hãy tìm tới Việt Nam”. Sở dĩ có 3 phương châm trên bởi Việt Nam đang nổi lên là nơi có nhiều nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo, các vật liệu thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn lao động, trách nhiệm xã hội.
Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng Phụ trách phát triển nhà cung ứng mới Tập đoàn Walmart, Việt Nam là 1 trong 5 nước cung cấp hàng nhiều nhất vào chuỗi cung ứng của tập đoàn, vươn lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc tại khu vực châu Á. Hiện nguồn hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào hệ thống đã cán mốc 7 tỷ USD/năm. Ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam cũng cho biết, sản lượng thu mua hàng hóa tại Việt Nam năm sau tăng gấp đôi năm trước và dự kiến đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Tương tự, đại diện nhiều tập đoàn phân phối và thu mua toàn cầu khác như Uniqlo (Nhật Bản); Amazon, Safeway (Mỹ); Falabella (Chile); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy điển), LuLu (UAE)..., cũng cho biết đang phát triển nhanh mạng lưới tìm kiếm và thu mua hàng hóa từ Việt Nam. Ngoài ra, các tập đoàn sẵn sàng hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc về DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 70% và rất ít DN thuần Việt. Nguyên nhân là DN thuần Việt chưa nắm bắt và tạo ra sản phẩm phù hợp với xu hướng người tiêu dùng toàn cầu. Mặt khác, DN Việt cũng chịu thiệt thòi về chi phí logistics so với DN ngoại. Về vấn đề này, ông Tạ Hoàng Linh cho biết, từ năm 2023, Bộ Công thương đã triển khai nhiều chương trình kết nối. Có đến hơn 50% DN tham gia bước đầu củng cố, hoàn thiện năng lực, hồ sơ, chứng chỉ… để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tháng 6-2024, tại chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”, hơn 1.000 DN cũng sẽ có cơ hội làm việc trực tiếp với các tập đoàn phân phối và thu mua toàn cầu.