Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng KTNN cho biết, trong những năm qua, hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, từ đó thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển. Là một trong các phương thức huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đầu tư theo phương thức PPP đã và đang trở thành một trong những mô hình hợp tác có hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam.
“Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo hình thức dự án PPP của Đảng và Nhà nước trong những năm qua là hết sức cần thiết. Các dự án PPP đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân thông qua việc cải thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, đô thị. Ngoài ra, các dự án PPP cũng đã góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp” – GS.TS Đoàn Xuân Tiên nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Tiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của các dự án PPP, thời gian qua cũng nảy sinh nhiều hạn chế liên quan đến quản lý, điều hành, khai thác các dự án PPP. Đơn cử, trong giai đoạn 2016 - 2019, KTNN đã thực hiện kiểm toán 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông và 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Kết quả kiểm toán cho thấy, đa số các dự án này đều có những hạn chế.
Đối với kiểm toán 84 dự án BOT giao thông, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.684,4 tỷ đồng, bằng 3,4% tổng giá trị được kiểm toán. Đồng thời, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 dự án là 300 năm (trong đó có dự án giảm thời gian nhiều nhất là hơn 13 năm).
Đối với kiểm toán 50 dự án BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỷ đồng, bằng 13,78% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lớn từ 27% đến 29% giá trị được kiểm toán.
Ở chiều ngược lại, sự thiếu hoàn chỉnh về cơ chế chính sách cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại về tính ổn định của việc hợp tác. Rủi ro khi chính sách thay đổi là hiện hữu đối với nhà đầu tư, dẫn tới việc nhiều nhà đầu tư đề xuất áp dụng bảo lãnh hoặc yêu cầu một mức lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hồi vốn dài hơn nhằm bù đắp cho những rủi ro nhà đầu tư phải chịu. Điều này gián tiếp làm tăng chi phí của bản thân dự án, chi phí xã hội để thực hiện dự án PPP cũng như chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Làm rõ hơn những hạn chế trong chính sách quản lý đối với hình thức PPP, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính, phân tích: “Dự thảo luật PPP hiện nay vẫn chưa xác định được rõ ràng bản chất của mối quan hệ đối tác trong hình thức này. Ở đây cần phải xác định rõ hơn vai trò giữa Nhà nước và doanh nghiệp, phải xem doanh nghiệp là đối tác đi thuê lại những nền tảng cơ sở hạ tầng sẵn có của Nhà nước để đầu tư, nâng cấp và kinh doanh, sau một thời gian theo thỏa thuận hợp đồng thì bàn giao lại cho Nhà nước quản lý. Phải xem cả tài sản hình thành từ dự án là tài sản công và cơ quan KTNN được quyền kiểm toán”.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, tại dự thảo Luật PPP trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào tháng 10-2019 chưa coi dự án PPP là dự án đầu tư công, các tài sản hình thành từ dự án PPP không phải là tài sản công, mà chỉ coi phần “vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng” và “vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” là tài sản công. Điều này dẫn đến hệ quả là KTNN chỉ kiểm toán phần này thay vì coi cả dự án PPP là dự án đầu tư công, các tài sản hình thành từ dự án PPP đều là tài sản công.
Tại hội thảo, đa số các ý kiến của chuyên gia đều cho rằng, cần phải sớm có sự đồng bộ giữa một số văn bản pháp luật với Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kiểm toán Nhà nước, tránh chồng chéo như hiện nay.